Ngày 13/11 Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nepal Rekha Sharma cho biết chính phủ đã quyết định cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok và lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau một thời gian nữa.
"TikTok đã bị cấm tại Nepal xét trên mức độ chính sách từ hôm nay. Khía cạnh kỹ thuật của lệnh cấm sẽ cần một chút thời gian. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tạo điều kiện để lệnh cấm có hiệu lực", Bộ trưởng Sharma nói.
Chủ tịch Cơ quan Viễn thông Nepal Purushottam Khanal nói với Reuters rằng một số nhà cung cấp dịch vụ internet đã chặn TikTok và những đơn vị khác cũng đang thi hành.
Sau khi quyết định được công bố, video về lệnh cấm đã thu hút hàng nghìn lượt xem trên ứng dụng này.
Cách đó vài ngày, Chính phủ Nepal ra chỉ thị về hoạt động của các mạng xã hội, quy định các nền tảng phải mở văn phòng hoặc bổ nhiệm một đại diện tại nước này trong vòng 3 tháng từ ngày chỉ thị có hiệu lực nếu muốn hoạt động. Các nền tảng cũng buộc phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông Nepal. Chỉ thị còn nêu 19 điều cấm đối với người sử dụng các mạng xã hội.
Theo ghi nhận, hơn 1.600 vụ tội phạm mạng liên quan đến TikTok đã xảy ra trong 4 năm qua tại Nepal. Phần lớn đều do các nội dung của ứng dụng này. Chính vì thế, Chính phủ đã ra lệnh cấm TikTok.
TikTok - thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc) - là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 thế giới và thu hút khoảng 1 tỷ người dùng mỗi tháng.
Tuy nhiên, nền tảng này đang đối mặt với các hạn chế tại nhiều quốc gia do vi phạm các quy định về dữ liệu cũng như do tác động tiềm tàng đối với giới trẻ.
Các quốc gia như Mỹ, Anh, New Zealand, Australia, Canada đã cấm ứng dụng này trên điện thoại công dù TikTok liên tục phủ nhận chia sẻ dữ liệu với Trung Quốc và sẽ không làm như vậy.
Ba năm trước, Ấn Độ cấm TikTok cùng một số ứng dụng Trung Quốc nổi tiếng khác vì “đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Thời điểm đó, nền tảng này có khoảng 120 triệu người dùng tại Ấn Độ.