Một tháng trước, Bộ Thương mại Indonesia cấm giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) trên mạng xã hội nhằm bảo vệ các chợ truyền thống và người bán hàng vi mô, vừa và nhỏ, đồng thời bảo đảm dữ liệu người dùng được an toàn.
Với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia phát sinh gần 52 tỷ USD giao dịch TMĐT năm 2022, theo dữ liệu từ hãng tư vấn Momentum Works. Do đó, quyết định của Indonesia giáng mạnh vào tham vọng bành trướng TikTok Shop của TikTok – công ty mới đây cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia.
Ba nguồn thạo tin tiết lộ rằng TikTok - ứng dụng thuộc gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Bytedance – đang có kế hoạch xin giấy phép thương mại điện tử. TikTok đang tổ chức các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác tiềm năng với các công ty thương mại điện tử địa phương, bao gồm Tokopedia của GoTo, đồng thời xây dựng ứng dụng TikTok Shop độc lập dành cho Indonesia.
Các phương án đang được TikTok xem xét bao gồm xây dựng một ứng dụng thương mại điện tử độc lập hoặc thiết lập mối quan hệ đối tác với các công ty địa phương. ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã triệu tập các nhóm phát triển sản phẩm và công nghệ tại Singapore để thảo luận về các ý tưởng sau khi Jakarta áp đặt lệnh cấm nói trên.
Theo ba nguồn thạo tin, một trong các đề xuất đang được thảo luận và xây dựng một nền tảng thương mại trực tuyến tách biệt với ứng dụng video TikTok nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Một nguồn tin khác tại TikTok cho biết, mọi sự lựa chọn vẫn đang để ngỏ và công ty vẫn chưa tích cực phát triển một ứng dụng riêng biệt.
Indonesia là thị trường đầu tiên và lớn nhất cho đến nay của TikTok Shop. Thành công ở thị trường Indonesia được xem là hình mẫu để ByteDance mở rộng TikTok Shop ra các thị trường khác, bao gồm cả Anh và Mỹ. Tuy nhiên, thực tế, ByteDance đang gặp khó khăn ở phương Tây khi cố gắng phát triển mô hình mua sắm tương tự, cho phép người tiêu dùng có thể mua sản phẩm trong ứng dụng TikTok thông qua các liên kết trong video hoặc chương trình phát sóng trực tiếp.
Cho đến khi ngừng hoạt động ở Indonesia trong tháng này, TikTok Shop đã giao khoảng 3 triệu bưu kiện mỗi ngày ở Indonesia.
TikTok cho biết, không thể xác nhận cũng như phủ nhận việc đang xem xét xin giấy phép TMĐT ở Indonesia. YouTube của Alphabet cũng được cho là đang có kế hoạch xin giấy phép TMĐT tại Indonesia. YouTube đã giới thiệu dịch vụ mua sắm tại Mỹ dành cho những nhà sáng tạo để quảng bá sản phẩm và thương hiệu trên nền tảng này.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Thương mại nội địa thuộc Bộ Thương mại Indonesia Isy Karim cho biết, Meta Platforms, chủ sở hữu của Facebook và Instagram, đã nộp đơn xin giấy phép thương mại điện tử trong tháng này để quảng cáo hàng hóa trên nền tảng của mình và không giao dịch thương mại điện tử trực tiếp.
Ông Isy Karim cho hay, giấy phép này sẽ cho phép các nhà cung cấp quảng cáo hàng hóa và thực hiện khảo sát thị trường song không được phép giao dịch trong ứng dụng, đồng thời tiết lộ rằng Meta đang xin giấy phép cho các ứng dụng Facebook, WhatsApp và Instagram của mình.
Quan chức này xác nhận rằng, hiện YouTube và TikTok vẫn chưa chính thức tiếp cận chính quyền để nộp đơn đăng ký xin giấy phép.