Theo CNBC, mục tiêu tăng cường giám sát các công ty Internet nhằm xử lý tình trạng độc quyền, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và ngăn chặn việc tăng vốn vô tội vạ. Bên cạnh đó, các công ty Internet cần phải đảm bảo việc bảo mật dữ liệu và các hoạt động tài chính cần được giám sát chặt chẽ hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Một số công ty nền tảng đang phát triển theo những lộ trình không đạt chuẩn và tiềm ẩn rủi ro. Cần phải đẩy nhanh việc nâng cao chất lượng các điều luật quản lý "kinh tế nền tảng" để có thể lấp đầy những lỗ hổng trong 1 hệ thống đang phát triển rất nhanh".
Phát biểu tại hội nghị, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận định "sự phát triển của một số công ty nền tảng không theo quy chuẩn và điều đó tồn tại nhiều rủi ro".
Ông Tập cho rằng, những “gã khổng lồ” công nghệ đã tích hợp lượng dữ liệu khổng lồ và nhận được quá nhiều quyền lực thị trường.
Bloomberg nhận định, những bình luận nghiêm trọng được đưa ra vào thời điểm này cho thấy, giới chức Trung Quốc đang chuẩn bị mở rộng chiến dịch giảm tầm ảnh hưởng của những tập đoàn công nghệ tư nhân hùng mạnh nhất.
Trước đó, Ant Group, công ty con của Alibaba là "nạn nhân" điển hình cho làn sóng kiểm soát mạnh mẽ từ giới chức Trung Quốc đại lục. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cùng cơ quan giám sát ngoại hối cũng yêu cầu Ant Group phải tuân thủ các quy tắc mới về mảng tín dụng vi mô (micro-lending) trong nỗ lực kìm hãm quy mô đang ngày càng phình to của gã khổng lồ này.
Các quy định mới từ chính quyền đại lục cũng khiến kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỷ USD của Ant Group, vốn được kỳ vọng trở thành đợt IPO lớn nhất thế giới, phải gác lại.
Mới đây, Tencent cùng 11 tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã bị Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) xử phạt vì liên quan đến 10 thương vụ thể hiện hành vi độc quyền bất hợp pháp. Mỗi công ty phải chịu khoản phạt lên tới 500.000 NDT, tương đương 77.000 USD.
Các chuyên gia dự báo, với mục tiêu là các công ty nền tảng, chiến dịch mới của Bắc Kinh có thể sẽ còn nhắm tới nhiều doanh nghiệp khác, đang cung cấp dịch vụ cho hàng trăm triệu người tại Trung Quốc, từ ứng dụng gọi xe Didi Chuxing, công ty giao thực phẩm Meituan cho tới những hãng thương mại điện tử như JD.com và Pinduoduo.
Bước đi này đánh dấu bước hành động quyết liệt của Bắc Kinh trong chiến dịch kiểm soát ảnh hưởng của các ông lớn công nghệ. Nó diễn ra chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố chính quyền sẽ mở rộng giám sát đối với lĩnh vực công nghệ tài chính, tăng cường chống độc quyền, ngăn chặn bùng nổ vốn “mất kiểm soát”.