Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, sau 10 năm phát triển, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023.
Tăng trưởng mạnh mẽ nên thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Thông qua thương mại điện tử, Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường gồm dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát…
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm Top 10 trên toàn thế giới và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ những ngày đầu khi khái niệm thương mại điện tử còn khá xa lạ với người tiêu dùng, giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản, đến nay đều đã có sự phát triển vượt bậc.
Bên cạnh những kết quả tích cực, thương mại điện tử cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: bảo đảm nguồn gốc của hàng hóa; an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch.
Tại hội nghị các chuyên gia có chung ý kiến để phát triển bền vững thương mại điện tử cần có các yếu tố như tăng trưởng ổn định, tích cực, đảm bảo sự cân bằng, đáp ứng xu thế xanh, và đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng.
Để thương mại điện tử phát triển bền vững, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị, thời gian tới cần tập trung vào 4 yếu tố gồm cân bằng, hài hòa lợi ích các bên liên quan; tăng trưởng tích cực; phát triển xanh; niềm tin và nguồn nhân lực.
Đầu tiên là sự cân bằng và hài hòa. Trước hết là hài hòa lợi ích các bên liên quan từ doanh nghiệp sản xuất, cho đến đơn vị dịch vụ chuyển phát, thanh toán, người tiêu dùng. Tiếp đến là thu hẹp dần khoảng cách, tiến tới cân bằng sự phát triển thương mại điện tử giữa các vùng miền, đảm bảo liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử.
Yếu tố thứ hai là phát triển xanh. Thương mại điện tử được xem là lĩnh vực đóng góp nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại cho môi trường. Với việc tối ưu hoá quy trình kinh doanh, quy trình giao vận, thương mại điện tử sẽ giảm một lượng lớn khí thải phương tiện ra môi trường. Đồng thời, tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ hao phí. Các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số có thể khuyến khích các sản phẩm xanh, ưu tiên sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường.
Song song với đó, cần duy trì một tốc độ tăng trưởng tích cực, ổn định. Cục trưởng Lê Hoàng Oanh cho rằng, thiếu một trong hai yếu tố thì thương mại điện tử không thể phát triển bền vững.
Yếu tố thứ tư là niềm tin. Các doanh nghiệp nhỏ cần có niềm tin thị trường sẽ có cơ chế bảo vệ họ để có thể sáng tạo mà không bị doanh nghiệp lớn chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh. Người tiêu dùng cần có niềm tin vào chất lượng hàng hóa bởi quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ khi mua sắm trên không gian mạng.
Cuối cùng là nguồn nhân lực. Mặc dù thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhưng quy mô nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của lĩnh vực này. Đại diện Bộ Công Thương nêu thực trạng, hiện chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử được đào tạo chính quy.
Ngay tại Hội nghị, cơ quan quản lý và các sàn thương mại điện tử, các trung gian thanh toán, ngân hàng cùng ký kết hợp tác, tham gia hệ sinh thái số, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Theo Bộ Công Thương, từ sự tham gia đồng lòng này các sàn này, doanh nghiệp sản xuất sẽ có sự cộng hưởng để tạo ra hệ sinh thái bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời cùng nhau triển khai nhiều giải pháp cam kết về chất lượng hàng hóa để mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng.
Đây sẽ là điểm khởi đầu cho giai đoạn mới của thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững, mang lại nhiều giá trị hơn cho tất cả các chủ thể tham gia.