Nguồn tin từ Bộ TT&TT cho biết, trong các ngày 15/5, 25/5 và 2/6, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá băng tần 2300MHz, gồm 3 khối băng tần A1(2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360-2390 MHz).
Trước đó, ngày 24/2, Bộ TT&TT ban hành và thông báo công khai về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số đối với băng tần 2300MHz. Theo quy định của Nghị định 88/2021/NĐ-CP, chỉ có doanh nghiệp được Bộ TT&TT xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá mới được nộp hồ sơ tham gia vòng đấu giá.
Giá khởi điểm đấu giá tần số 2300-2400 MHz cho 3 khối băng tần là 17.394 tỷ đồng. Cụ thể đối với khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm.
Với giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm, mỗi nhà mạng sẽ trả phí tần số trên lý thuyết ít nhất là 386 tỷ đồng/năm. Đây là con số không hề nhỏ với tất cả các mạng di động. Thêm vào đó, để có thể cung cấp dịch vụ, nhà mạng sẽ phải đầu tư hạ tầng và xây dựng các mô hình kinh doanh mới cho 5G. Việc này cũng chiếm một khoản đầu tư rất lớn cho các nhà mạng.
Bộ cũng xác nhận 4 nhà mạng: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile đã nộp hồ sơ tham gia đấu giá băng tần 2300-2400MHz. Tuy nhiên, hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần này là không thành.
Lãnh đạo một nhà mạng chia sẻ, với mức giá cao, doanh nghiệp không kham nổi. Vì viễn thông đã bão hòa, nhà mạng lại chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nền tảng xuyên biên giới, các OTT viễn thông; trong khi các dịch vụ số chưa thể đạt doanh thu như mong muốn. Mặt khác, kinh tế toàn cầu khó khăn khiến doanh thu nhà mạng tăng trưởng chậm. Thêm nữa, nếu trúng đấu giá, ngoài số tiền nêu trên, nhà mạng cần phải đầu tư để thiết lập mạng lưới cung cấp dịch vụ với chi phí không nhỏ…
Giới phân tích cho rằng, để xây dựng một mạng di động phủ sóng toàn quốc, nhà đầu tư cũng phải bỏ ra vài tỷ USD đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS đang suy giảm, doanh thu đến từ 5G đang chia ở thì tương lai, việc bỏ một số tiền lớn để đầu tư là điều cần cân nhắc.