Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua năm 2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.
Các quy định của luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử, đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, sau 17 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 56 điều, trong đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 3/12/2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2021.
Cụ thể, dự luật lần này bỏ loại trừ của luật năm 2005. Nếu như luật hiện hành quy định “không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”, thì dự luật lần này mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội.
Theo lý giải của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, việc mở rộng này dựa trên cơ sở hiện nay công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và bổ sung quy định pháp lý về dịch vụ tin cậy trong luật.
Cùng với việc loại trừ, dự luật cũng quy định rõ: "Luật này không quy định về nội dung của các giao dịch. Luật khác quy định giao dịch không thực hiện bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của luật đó".
Như vậy, việc mở rộng cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, nhưng không hàm ý bắt buộc. Các lĩnh vực chưa phù hợp áp dụng giao dịch bằng phương tiện điện tử theo quy định của luật chuyên ngành liên quan thì áp dụng theo quy định tại luật đó.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bài toán lớn nhất trong việc thúc đẩy giao dịch điện tử toàn trình chính là việc kết quả cuối cùng vẫn cấp văn bản giấy. Hiện nay, mới chỉ có quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số.
“Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra toàn trình, toàn bộ từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh và cho biết, nội dung này cũng được nhiều nước cập nhật trong luật mới.
Niềm tin chính là vấn đề quan trọng nhất trong giao dịch điện tử
Liên quan đến chính sách về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, dự luật cơ bản không thay đổi về nguyên tắc so với luật năm 2005, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử và chữ ký số; đồng thời quy định chi tiết việc sử dụng, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài.
Còn chính sách về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, dự luật bổ sung 2 dịch vụ: Dịch vụ cấp dấu thời gian và dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu.
“Niềm tin chính là vấn đề quan trọng nhất trong giao dịch điện tử. Việc thiếu các hoạt động bảo đảm của bên thứ ba cho hoạt động giao dịch điện tử là rào cản lớn nhất cho việc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói.
Ngoài ra, dự luật cũng sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến chính sách quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử. Cụ thể là dự luật bổ sung thêm quy định về hợp đồng được ký kết thông qua hệ thống thông tin tự động.
Dự luật cũng bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Ngoài ra, dự luật cũng quy định cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quản hệ thống.
Thẩm tra sơ bộ dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử như tờ trình của Chính phủ.
Theo chương trình, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới đây.