Quyết định của Apple được đưa ra sau khi chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Nikkei, vào đầu năm nay, Apple đã có kế hoạch sử dụng chip nhớ flash NAND của YMTC trên các mẫu iPhone được bán tại thị trường Trung Quốc, bao gồm cả iPhone 14 mới ra mắt.
Chip nhớ của YMTC có giá thành rẻ hơn 20% so với chip tương tự của các đối tác khác cung cấp cho Apple. Apple đã cân nhắc sẽ mua đến 40% số chip sử dụng cho tất cả các mẫu iPhone từ YMTC. Tuy nhiên, đến nay, chip YMTC chưa được sử dụng trong bất kỳ sản phẩm nào của Apple.
"Các sản phẩm đã được xác nhận, nhưng chip của YMTC đã không được đưa vào dây chuyền sản xuất khi quá trình lắp ráp hàng loạt iPhone mới được bắt đầu", nguồn tin tiết lộ với Nikkei.
Hiện, cả Apple lẫn YMTC không đưa ra bình luận gì về thông tin do tờ Nikkei đăng tải.
Tuần trước, chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa YMTC và 30 công ty khác của Trung Quốc bị đưa vào danh sách "không thể xác minh". Các công ty tại Mỹ sẽ bị cấm chia sẻ bất kỳ thiết kế, công nghệ, tài liệu hoặc thông số kỹ thuật nào cho các công ty nằm trong danh sách "không thể xác minh" khi chưa được phép của chính quyền Mỹ.
Đồng thời, Washington cũng công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu và sử dụng chip của Trung Quốc vào tuần trước trong một nỗ lực làm chậm những tiến bộ công nghệ và quân sự của Bắc Kinh.
Trong số các biện pháp được công bố, có một số biện pháp có hiệu lực ngay lập tức, có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ đối với công nghệ vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc kể từ những năm 1990.
Theo quy định mới, các công ty Mỹ phải ngừng cung cấp cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc thiết bị có thể sản xuất chip tương đối tiên tiến, bao gồm loại chip logic dưới 16 nanomet (nm), chip DRAM dưới 18nm và chip NAND có 28 lớp trở lên, trừ khi có giấy phép.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Hua Hong Semiconductor Ltd, cũng như các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu được nhà nước hậu thuẫn như Công ty Công nghệ Bộ nhớ Trường Giang (YMTC) và Công nghệ bộ nhớ Changxin (CXMT).
Ngoài ra, Mỹ đã thêm nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc YMTC và 30 đơn vị khác của Trung Quốc vào danh sách các công ty không thể xác minh, làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh, bắt đầu quãng thời gian đếm ngược 60 ngày đầy căng thẳng có thể dẫn tới các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn nếu 2 quốc gia không đạt được sự đồng thuận.
Các công ty nằm trong danh sách "không thể xác minh" cần phải cung cấp các thông tin cần thiết cho chính quyền Mỹ trong vòng 60 ngày, nếu không sẽ bị đưa vào "danh sách đen" với những hạn chế và lệnh cấm vận nặng nề hơn. Huawei là một trong những "ông lớn" công nghệ Trung Quốc đang nằm trong "danh sách đen" của Mỹ.
Nhiều công ty chip Trung Quốc, bao gồm YMTC, cũng bị chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, cấm các nhà sản xuất thiết bị chip của Mỹ cung cấp dịch vụ hoặc hỗ trợ kỹ thuật để giúp các công ty Trung Quốc có thể sản xuất được chip công nghệ cao.