Theo các nguồn thạo tin, cơ quan chức năng châu Âu có kế hoạch điều tra Apple, Meta Platforms và Google của Alphabet để xác định việc có hay không việc các công ty này vi phạm quy định trong Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU).
Các nguồn tin cho biết Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ công bố thông tin về các cuộc điều tra trong những ngày tới và công bố kết quả điều tra trước khi nhiệm kỳ của Ủy viên cạnh tranh chống độc quyền Margrethe Vestager kết thúc vào tháng 11.
Các công ty công nghệ lớn buộc phải tuân thủ Đạo luật Thị trường số của EU kể từ ngày 7/3. Đạo luật được đưa ra nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng, cũng như đảm bảo an toàn hơn cho người dùng.
"Chúng tôi không tin rằng các giải pháp của Alphabet, Apple và Meta tôn trọng nghĩa vụ của họ về một không gian kỹ thuật số công bằng, cởi mở hơn cho công dân và doanh nghiệp châu Âu", theo ủy viên phụ trách thị trường nội khối EU Thierry Breton.
Ủy ban châu Âu cho rằng các biện pháp mà những công ty công nghệ trên áp dụng đến nay chưa tuân thủ hiệu quả các quy định của đạo luật DMA. Cơ quan này lập luận, Google và Apple đang áp đặt những hạn chế và giới hạn cho các nhà phát triển ứng dụng khác như việc tính phí để phân phối các ứng dụng bên ngoài nhằm ngăn chặn các ứng dụng này xuất hiện trong danh mục miễn phí.
Cùng với đó, màn hình lựa chọn trình duyệt của Apple cũng đang được điều tra, cũng như tùy chọn "trả tiền hoặc đồng ý" của Meta để người dùng trả phí hằng tháng cho các phiên bản Facebook hoặc Instagram không có quảng cáo có vi phạm chính sách sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng không.
Không như các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm trước đây, đạo luật mới yêu cầu các cơ quan quản lý hoàn thành mọi cuộc điều tra trong vòng 12 tháng.
Đạo luật DMA cấm các công ty công nghệ kết hợp dữ liệu cá nhân từ các dịch vụ khác nhau của mình, cũng như sử dụng dữ liệu thu thập được từ các bên bán hàng thứ ba để cạnh tranh.
Mục đích của đạo luật DMA là ngăn chặn các hành vi vi phạm luật chống độc quyền để đảm bảo các tập đoàn lớn công nghệ không thể "bóp méo" sự cạnh tranh trên các thị trường mới.
Theo quy định mới, Ủy ban châu Âu có thể áp dụng mức phạt lên đến 10% tổng doanh thu toàn cầu của một công ty nếu không tuân thủ các quy định trong đạo luật DMA. Con số này có thể tăng lên 20% đối với trường hợp tái phạm, thậm chí bị cấm hoạt động trong khối.
Về phía Google, ông Oliver Bethell, Giám đốc cạnh tranh của Google cho biết, thời gian qua công ty đã có những thay đổi đáng kể trong cách vận hành các dịch vụ kỹ thuật số ở châu Âu và sẽ tiếp tục bảo vệ cách tiếp cận của hãng trong thời gian tới. Còn Apple bày tỏ rằng, công ty hoàn toàn tuân thủ theo đạo luật mới.