Ngày 1/4, Sam Altman, CEO OpenAI, chia sẻ trên X: "Có lúc chúng tôi thêm một triệu người dùng mỗi giờ". Con số này đánh dấu sự bùng nổ mạnh mẽ so với thời điểm hơn hai năm trước, khi ChatGPT mất đến 5 ngày để đạt mốc một triệu người dùng đầu tiên.
Dù OpenAI không công bố số liệu cụ thể, công ty phân tích nền tảng trực tuyến SensorTower cho biết số người dùng hoạt động và lượt tải ứng dụng ChatGPT đang ở mức cao nhất, tăng lần lượt 11% và 5% chỉ trong một tuần. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc OpenAI ra mắt tính năng Images in ChatGPT, ứng dụng sức mạnh của mô hình GPT-4o để tạo ra hình ảnh trực tiếp trong cuộc trò chuyện. Trong đó, công cụ hỗ trợ tạo ảnh theo phong cách Ghibli trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt thử nghiệm.
Sự quan tâm quá lớn đã khiến máy chủ OpenAI chịu áp lực nặng nề. Theo Reuters, lượng truy vấn tăng đột biến khiến hệ thống đôi khi rơi vào tình trạng quá tải và ngừng hoạt động cục bộ. "Các bản phát hành mới có thể bị trì hoãn, đôi khi dịch vụ chậm vì chúng tôi phải giải quyết thách thức về năng lực xử lý", Altman cho biết.
Tính năng tạo ảnh phong cách Ghibli giúp ChatGPT nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng làm dấy lên lo ngại về bản quyền. Việc tái tạo phong cách nghệ thuật của một hãng phim nổi tiếng đặt ra câu hỏi về ranh giới giữa sáng tạo AI và đạo nhái tác phẩm.
Luật sư Evan Brown từ công ty Neal & McDevitt nhận định với Reuters: "Luật bản quyền chủ yếu bảo vệ các biểu đạt cụ thể, chứ không phải phong cách nghệ thuật". Điều này đồng nghĩa với việc AI có thể học hỏi và tạo ra những hình ảnh tương tự Ghibli mà không vi phạm trực tiếp quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, Hayao Miyazaki – huyền thoại của Studio Ghibli – đã thẳng thắn chỉ trích công nghệ này: "Tôi thấy ghê tởm. Tôi không bao giờ muốn đưa công nghệ này vào công việc của mình". Trước phản ứng gay gắt từ phía các nghệ sĩ, OpenAI khẳng định với TechCrunch rằng họ không sao chép phong cách của các họa sĩ còn sống, mà chỉ học hỏi từ những studio có quy định rộng mở hơn.
Ngoài khả năng tạo ảnh phong cách Ghibli, Images in ChatGPT còn gây tranh cãi với một số ứng dụng khác. TechCrunch phát hiện AI này có thể tạo ra biên lai giả "giống như thật", làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lừa đảo tài chính. Ngoài ra, nó có thể ghép nội dung từ nhiều ảnh khác nhau để tạo ra hình ảnh quảng cáo hoặc thiết kế nội thất, mở ra cả cơ hội lẫn rủi ro về tính xác thực của nội dung.
Dù vậy, nhiều chuyên gia công nghệ vẫn đánh giá cao tính năng này. Nhà báo Kevin Roose của New York Times chia sẻ trên X: "Thật tuyệt khi có thể chụp ảnh màn hình một loạt đồ nội thất, ra lệnh AI đặt chúng vào một căn phòng và nhận về thiết kế chỉ trong 10 giây". Theo Mashable, công cụ này giúp việc chỉnh sửa ảnh trở nên dễ dàng hơn mà không cần đến các phần mềm chuyên nghiệp.
Sự bùng nổ của ChatGPT nhờ AI tạo ảnh cho thấy sức hút mạnh mẽ của công nghệ này, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính pháp lý và đạo đức trong sáng tạo bằng trí tuệ nhân tạo. Liệu OpenAI có thể cân bằng giữa đổi mới công nghệ và bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ? Đó vẫn là bài toán chưa có lời giải.