Mới đây, Apple đã lần đầu công bố Báo cáo minh bạch của App Store, với nhiều thông tin về hoạt động của kho ứng dụng này trong năm 2022. Trong đó, thông tin được đề cập nhiều nhất là việc gỡ bỏ ứng dụng vi phạm quy định của hãng hoặc do Chính phủ các nước yêu cầu.
Theo đó, kho ứng dụng của Apple có khoảng 1,78 triệu ứng dụng và trong năm qua có 186.195 ứng dụng bị gỡ, phần lớn thuộc loại trò chơi (38.883 ứng dụng) và công cụ tiện ích (20.045 ứng dụng).
Trong đó, Việt Nam có 8.462 app bị xóa vì những lý do khác nhau, nhiều nhất là vi phạm nguyên tắc thiết kế với 4.657 ứng dụng, đứng thứ 6 thế giới; còn lý do gian lận là 3.626, đứng thứ 2 thế giới.
Theo hướng dẫn của Apple, vi phạm gian lận là việc các ứng dụng mắc một số vi phạm như tạo các nội dung sai sự thật, tạo các đánh giá gian lận về đối thủ, cạnh tranh không lành mạnh nhằm dụ người dùng cài đặt.
Lỗi thiết kế là ứng dụng đã lỗi thời hoặc mang đến trải nghiệm người dùng kém hơn so với hãng mong đợi. Chẳng hạn, khi người dùng truy cập, ứng dụng chuyển hướng họ sang một trang web trước khi khởi chạy.
Báo cáo của Apple cho thấy, Việt Nam nằm trong top 10 nước về số nhà phát triển khiếu nại sau khi bị gỡ ứng dụng, với 416 lượt và có 11 ứng dụng được Apple xem xét đưa trở lại.
Với hơn 41 nghìn ứng dụng, Trung Quốc là thị trường có số ứng dụng bị gỡ khỏi App Store cao nhất đồng thời cũng là nước có số ứng dụng bị xóa nhiều nhất liên quan đến gian lận và quy tắc ứng xử của nhà phát triển. Đứng thứ hai là Mỹ hơn 32 nghìn nhưng lại đứng đầu về vi phạm trong thiết kế và spam, và tiếp theo là Ấn Độ hơn 10 nghìn.
Ở thời điểm hiện tại, App Store có gần 37 triệu nhà phát triển đăng ký. Mỗi tuần, kho ứng dụng của hệ điều hành iOs lại có hơn 656 triệu người truy cập, với 747 triệu lượt tải. Apple cũng đã khóa 282 triệu tài khoản người dùng, ngăn chặn 2,2 tỷ USD giao dịch gian lận từ trên nền tảng ứng dụng của mình.
Việc Apple lần đầu công bố Báo cáo minh bạch của App Store xuất phát việc Apple phải cung cấp thống kê liên quan đến kho ứng dụng của hãng sau vụ kiện cáo buộc Apple lấy hoa hồng 30% từ quá lớn của các nhà phát triển.