Sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với hoạt động đầu tư tạo tác động—theo đó các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội để tạo ra tác động tích cực lên xã hội bên cạnh lợi nhuận tài chính—được ước tính có thể lên đến $26 ngàn tỷ USD, theo một báo cáo mới được IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, công bố.
Báo cáo, Kiến tạo Tác động: Lời Hứa của Hoạt động Đầu tư Tạo Tác động, là bản đánh giá toàn diện nhất cho đến nay về tiềm năng của thị trường đầu tư tạo tác động trên toàn thế giới. Khoảng $268 ngàn tỷ USD — thể hiện dưới hình thức tài sản tài chính được nắm giữ bởi các định chế và hộ gia đình trên toàn thế giới — có khả năng được huy động để đầu tư. Báo cáo ghi nhận rằng nếu chỉ 10% con số này hướng đến các khoản đầu tư tập trung vào cải thiện các kết quả về xã hội và môi trường, thì điều này sẽ giúp thế giới đạt được một bước tiến lớn trong việc cung cấp tài chính cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình dịch chuyển sang một tương lai carbon thấp.
Nhu cầu gia tăng đối với hoạt động đầu tư tạo tác động phần nào thể hiện những dịch chuyển về mặt nhân khẩu học. Theo Accenture, chỉ riêng khu vực Bắc Mỹ, trong vài thập kỷ tới, ít nhất $30 ngàn tỷ USD dưới hình thức tài sản sẽ được chuyển giao từ thế hệ những người sinh ngay sau Thế chiến thứ 2 sang cho những người thuộc thế hệ X (sinh vào thập kỷ 60 và 70) và thế hệ Y (thế hệ 8X và 9X). Những nhà đầu tư trẻ tuổi ngày càng quan tâm hơn đến các chiến lược đầu tư mang lại các tác động tích cực về mặt xã hội và môi trường — và họ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào phân khúc này.
Tổng Giám đốc Điều hành IFC, ông Philippe Le Houérou, cho biết “Ngày càng có nhiều nhà đầu tư – bao gồm những nhà đầu tư trẻ tuổi – đặt ra yêu cầu rằng các khoản đầu tư của họ phải được hướng vào những quỹ mang lại tác động tích cực cho cộng đồng và môi trường. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để phát triển thị trường này -- và đó là tin tốt lành cho hành tinh này và cho các cộng đồng trên toàn thế giới.”
Trên các thị trường cổ phiếu và trái phiếu đại chúng, báo cáo ước tính rằng mức độ quan tâm của các nhà đầu tư có thể lên đến $ 21 ngàn tỷ USD. Thêm $5 ngàn tỷ USD nữa có thể đến từ các quỹ đầu tư vốn chủ sở hữu tư nhân, trái phiếu địa phương, và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc hiện thực hóa các quan tâm này thành các khoản đầu tư sẽ phụ thuộc vào việc tạo ra được các cơ hội đầu tư và các công cụ đầu tư cho phép nhà đầu tư có thể theo đuổi các mục tiêu tạo tác động tích cực lên xã hội và môi trường cũng như các mục tiêu tài chính một cách bền vững.
IFC là một trong số những nhà đầu tư tạo tác động có lịch sử hoạt động lâu đời nhất và lớn nhất — điều đó cho thấy rằng hoàn toàn có thể đạt được các tác động phát triển quan trọng bên cạnh các lợi ích tài chính chắc chắn. Tính trung bình, lợi nhuận đến từ các khoản đầu tư vốn chủ sở hữu của IFC từ năm 1988 đến năm 2016 có thể sánh ngang với tỷ suất lợi nhuận của Chỉ số Thị trường Mới nổi MSCI.
Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của mình, IFC đã tìm kiếm các cơ hội nhằm huy động những nhà đầu tư cùng chung chí hướng để hợp tác theo các cách có thể nhằm góp phần làm thay đổi bức tranh đầu tư chung. Năm 2003, IFC đã giúp các ngân hàng quốc tế xây dựng Nguyên tắc Xích đạo - bộ nguyên tắc đã trở thành bộ tiêu chuẩn được kiểm nghiệm và áp dụng nhiều nhất trên thế giới trong việc cung cấp tài chính cho các dự án đề cao sự phát triển bền vững tại các nền kinh tế mới nổi. Gần đây, IFC – thông qua hợp tác chặt chẽ với các định chế tài chính khác - đã giới thiệu bộ Nguyên tắc Vận hành trong Quản lý Đầu tư tạo Tác động — đây là bộ tiêu chuẩn có thể giúp các hoạt động đầu tư tạo tác động đạt được tính kỷ luật và sự minh bạch tương tự như những gì bộ Nguyên tắc Xích đạo đã đạt được với hoạt động tài trợ cho các dự án.
Về IFC IFC—một tổ chức đồng cấp với Ngân hàng Thế giới và thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới—là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. IFC hợp tác cùng hơn 2,000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới, sử dụng năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để kiến tạo các thị trường mới cùng những cơ hội phát triển ở những khu vực thách thức nhất trên thế giới. Trong năm tài chính 2018, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt 23 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Để biết thêm thông tin chi tiết, mời truy cập www.ifc.org
|