Tập đoàn công nghệ Microsoft vừa thông báo sẽ giới hạn việc trò chuyện trên phiên bản mới tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) của công cụ tìm kiếm Bing. Theo đó, người dùng sẽ có tối đa 5 câu hỏi mỗi lượt sử dụng và tổng cộng 50 câu hỏi mỗi ngày với công cụ trò chuyện (chatbot) này.
"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng, đại đa số mọi người đã tìm thấy câu trả lời mà họ đang tìm kiếm trong vòng 5 lượt và chỉ khoảng 1% cuộc hội thoại trò chuyện có hơn 50 tin nhắn" - đội ngũ phát triển Bing giải thích. Chính vì vậy, nếu người dùng đạt ngưỡng 5 câu hỏi trong một lần giao tiếp, chatbot Bing sẽ tự động đề xuất chuyển sang chủ đề mới để tránh cuộc trò chuyện qua lại trở nên quá dài.
Đầu tuần này, Microsoft đã cảnh báo, những phiên trò chuyện dài từ 15 câu hỏi trở lên, có thể khiến Bing "trở nên lặp đi lặp lại hoặc đưa ra những câu trả lời không hữu ích, không phù hợp với giọng điệu được thiết kế sẵn". Microsoft cho rằng, việc làm mới một cuộc trò chuyện sau 5 câu hỏi sẽ giúp "mô hình không bị nhầm lẫn".
Microsoft vẫn đang làm việc để cải thiện Bing, nhưng vẫn chưa rõ những giới hạn này sẽ kéo dài bao lâu. “Nếu vẫn nhận được các phản hồi, chúng tôi sẽ nghiên cứu mở rộng giới hạn cho các phiên trò chuyện”, công ty cho biết.
Chức năng trò chuyện với sự hỗ trợ của AI của Bing tiếp tục được cải thiện hàng ngày, với các vấn đề kỹ thuật được giải quyết và các bản sửa lỗi lớn hơn hàng tuần để cải thiện tìm kiếm và đưa ra câu trả lời.
Theo giới quan sát, Microsoft đặt ra giới hạn trên nhằm ngăn chatbot Bing rơi vào tình trạng "loạn ngôn", sau khi những phản ánh gần đây cho thấy chatbot Bing có dấu hiệu trả lời thiếu chuẩn xác, vượt khỏi khuôn khổ cho phép, thậm chí có xu hướng thao túng tâm lý người dùng.
Đầu tuần này, Microsoft cảnh báo cuộc trò chuyện dài khoảng trên 15 câu hỏi có thể khiến chatbot Bing "lặp đi lặp lại câu trả lời hoặc đưa ra những lời châm chọc không cần thiết, kém hữu ích hoặc vượt phạm vi cho phép". Trong khi đó, giới nghiên cứu AI cũng khẳng định việc làm mới đoạn hội thoại sau 5 câu giao tiếp sẽ giúp mô hình AI tạo ngôn ngữ mạch lạc hơn.
Phó Giáo sư Graham Neubig của Viện Công nghệ ngôn ngữ thuộc trường Đại học Carnegie Mellon cho rằng: "Về cơ bản, chatbot sẽ bắt chước các cuộc hội thoại trên mạng Internet".
Theo thiết kế, một chatbot sẽ đưa ra những câu trả lời mà công cụ này cho rằng có tần suất phản hồi cao nhất trong các trường hợp tương tự. Các chatbot có thể không hiểu ý nghĩa hoặc ngữ cảnh của đoạn hội thoại nhưng người dùng lại có xu hướng thấy trước được luồng cảm xúc và các câu nói của chatbot.
Chatbot Bing là sản phẩm kết hợp giữa công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft và công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên ngôn ngữ do công ty Open AI phát triển.
Microsoft kỳ vọng hợp tác với Open AI - nhà sản xuất của ChatGPT - sẽ giúp mở ra "một kỷ nguyên mới cho tìm kiếm trực tuyến", vượt qua sự thống trị của Google trên thị trường này suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, Microsoft cũng thừa nhận, chatbot Bing đôi khi "thể hiện một phong cách mà công ty không dự tính" và công cụ này vẫn cần được hoàn thiện thêm.