Trong 4 năm cầm quyền vừa qua của ông Trump, nhiều nhà sản xuất đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ nhằm tránh bị áp thuế quan lên hàng hóa và cũng để phòng ngừa rủi ro địa chính trị.
Mỹ nhắm vào các thiết bị điện tử sản xuất tại Trung Quốc để áp mức thuế nhập khẩu cao hơn, đồng thời hạn chế cung cấp các linh kiện được sản xuất bằng công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc mà họ coi là có nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Các nhà thầu của Apple đã tăng công suất sản xuất điện thoại iPhone ở Ấn Độ. Nhà sản xuất tai nghe AirPod cho "táo khuyết" cũng đã bổ sung một số dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam.
Foxconn đang xây dựng dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook của Apple tại nhà máy của mình ở tỉnh Bắc Giang để đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2021.
Các dây chuyền cũng sẽ nhận chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc mà không giải thích rõ sản lượng sẽ thay đổi như thế nào. “Động thái này đã được Apple yêu cầu", người này nói. "Hãng muốn đa dạng hóa sản xuất sau cuộc chiến thương mại".
Foxconn tuyên bố: “Vì vấn đề chính sách của công ty và vì lý do nhạy cảm thương mại, chúng tôi không bình luận về bất kỳ khía cạnh nào trong công việc của chúng tôi đối với bất kỳ khách hàng nào hoặc sản phẩm của họ”.
Foxconn từ chối bình luận về thông tin trên với lý do “nhạy cảm thương mại” trong khi Apple cũng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Foxconn là một công ty của Đài Loan, có tên chính thức là Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải. Vào hôm 25/11 vừa qua, công ty đã công bố khoản đầu tư 270 triệu USD để thành lập một công ty con mới có tên là FuKang Technology - một động thái được cho là nhằm hỗ trợ việc mở rộng sản xuất sang Việt Nam.
Nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới cũng có kế hoạch sản xuất TV cho Sony tại Việt Nam, dự kiến sản xuất từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021. Sony từ chối bình luận về thông tin này.
Ngoài ra, nhà máy của Foxconn tại Việt Nam còn sản xuất các sản phẩm điện tử khác như bàn phím máy tính.