Trên cơ sở kiến nghị của chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh, tập thể giáo viên, học sinh các trường THPT Vạn Xuân (huyện Hoài Đức) và THCS Tân Hòa (huyện Quốc Oai), Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội vừa đề xuất thành phố phương án kết nối, mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ xe buýt đối với các tuyến buýt CNG04, CNG07 sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG)
Theo đó, tuyến buýt CNG04 Kim Lũ (Sóc Sơn) - Nam Thăng Long sẽ điều chỉnh lộ trình nhằm tiếp cận đến trung tâm xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) và điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ từ 20 - 30 phút/lượt thành 15 - 20 - 30 phút/lượt với 106 lượt xe/ngày (tăng 20 lượt xe/ngày). Giá vé 9.000 đồng/lượt/hành khách.
Tuyến buýt CNG07 Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức cũng sẽ điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ từ 20 - 30 phút/lượt thành 15 - 20 - 30 phút/lượt với 96 lượt xe/ngày (tăng 12 lượt xe/ngày). Giá vé 9.000 đồng/lượt/hành khách.
Liên quan đến xe buýt năng lượng sạch, trước đó, tháng 9.2020, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Sở GTVT về Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP.
Theo đó, Vingroup - Công ty CP đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe chạy điện và cam kết đầu tư 150 - 200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại; đầu tư Trung tâm Quản lý và vận hành xe buýt thông minh, depot và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối; bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành.
Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, phương án mở rộng vùng phục vụ của tuyến buýt CNG04 qua trung tâm xã Kim Nỗ và tăng tần suất dịch vụ đối với tuyến buýt CNG07 cơ bản phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân.
“Việc tăng tần suất dịch vụ hoạt động trên các tuyến buýt này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tải trong khung giờ cao điểm, giảm thời gian chuyến đi của hành khách, dự kiến từ 20 - 25 phút”, ông Viện nói.