Huawei đang đối mặt với sự phản đối của người dân Trung Quốc sau khi vụ việc cựu nhân viên công ty vô tội bị bắt và giam giữ 251 ngày được phanh phui. Công tố viên đã thả Li Hong Yuan vì không đủ bằng chứng chứng minh người này tống tiền công ty cũ.
Một sự kiện đang khiến người Trung Quốc phẫn nộ ngay cả với chính Huawei, tập đoàn công nghệ lớn nhất nhì Đại Lục, vì cách mà họ đối xử với nhân viên lâu năm sau khi nghỉ việc. Hồi tháng 1/2019, Li Hongyuan, nhân viên từng phục vụ Huawei 13 năm ròng bị bắt vì tình nghi tống tiền, mãi đến tháng 8/2019 anh này mới được thả vì “không đủ chứng cứ”. Nam kỹ sư 35 tuổi này trước khi nghỉ việc đã đàm phán để lấy 300 nghìn Tệ, cỡ gần 1 tỷ Đồng tiền đền bù hủy hợp đồng. Khi không được chấp nhận, anh đâm đơn kiện Huawei. Để không phải trả tiền bồi thường hợp đồng, Huawei chuyển số tiền đó vào tài khoản cá nhân của Li, rồi báo công an Thâm Quyến bắt giữ anh này vì “tống tiền”.
Hồ sơ từ công tố viên ghi Li rời Huawei tháng 1/2018, đàm phán gói nghỉ việc. Hai tháng sau, một nhân viên Huawei gửi 304.742 nhân dân tệ vào tài khoản của Li. Thời gian tiếp theo, Huawei báo cáo Li với cảnh sát, tố anh tống tiền và đây là khoản tiền được gửi trước lời đe dọa của anh ta.
Li bị bắt giam tháng 12/2018 và chính thức ngồi tù tháng 1/2019 trước khi được thả tự do vào tháng 8/2019. Theo tài liệu, cảnh sát phát hiện Li “đe dọa” tiết lộ “hành vi kinh doanh phi pháp” của trưởng bộ phận cho kiểm toán và điều tra viên, dùng nó để tống tiền công ty. Luật sư của Li phủ nhận điều này.
Trong thông báo gửi cho CNN, nhóm luật sư của Li xác nhận khách hàng của họ chưa bao giờ bị truy tố và thay vào đó còn được chính phủ bồi thường. Họ nhấn mạnh Li được miễn tội và công tố viên có thái độ “khách quan, công bằng” trong quá trình xét xử.
Sau khi được thả, tòa án Trung Quốc trả cho Li 107.522 Tệ, hơn 350 triệu Đồng tiền “tổn thất tâm lý và thể xác” vì bị giam giữ mà không có bằng chứng. Trong bức thư gửi tới CEO Nhậm Chính Phi, Li viết: “Tôi không muốn làm rùm beng mọi thứ, xin lỗi vì điều đó. Nhưng tôi cũng không hối hận vì đã nói sự thật, ngay cả khi điều đó khiến tôi phải trả giá đắt. Nói về việc bị bắt giữ, cha tôi đã bị sốc và từ trần, còn con tôi thì sống trong sợ hãi.”
Câu chuyện của Li xuất hiện đúng vào một năm ngày Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu), Giám đốc tài chính, ái nữ của nhà sáng lập Ren ZhengFei (Nhậm Chính Phi) bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ. Meng bị bắt ngày 1/12/2018 ngay sau khi đáp xuống sân bay vì tội vi phạm lệnh cấm của Mỹ với Iran. Huawei và bà Meng đều phủ nhận cáo buộc. Bà bị cấm rời Vancouver và phải đối mặt với quá trình tố tụng kéo dài.
Truyền thông và dân mạng Trung Quốc là những người ủng hộ bà Meng mạnh mẽ nhất. Họ gọi đây là hành động nhằm cản trở Huawei và Trung Quốc trên sân chơi toàn cầu. Washington cáo buộc công nghệ và sản phẩm Huawei có thể bị lợi dụng để gián điệp. Ngoài ra, Mỹ còn kêu gọi đồng minh cấm Huawei tham gia mạng 5G.
Tuy nhiên, sau khi vụ việc của Li được đưa ra ánh sáng, nhiều người Trung Quốc bất ngờ quay lưng với Huawei. Nó trở thành chủ đề nóng hổi trên mạng xã hội nước này thời gian gần đây. Trong một bài bình luận trên The Paper, tác giả viết: “Nếu anh dẫm vào chân người khác trên đường, anh sẽ xin lỗi. Hành động của Huawei khiến một công dân mất tự do 251 ngày nhưng công ty không cảm thấy phải xin lỗi có hợp lý không”? “Huawei đã mất lượng lớn người hâm mộ vì họ nhìn thấy một Huawei khác vô cùng: con quỷ xa lạ không có cảm thông và biến thành một kẻ bắt nạt”.
Ngay cả vụ bà Meng bị bắt giữ cũng nhận phản hồi tiêu cực. Trong lá thư đăng hôm Chủ nhật, bà Meng viết nhận được ủng hộ trong "những giờ phút đen tối nhất" – bao gồm vô số bình luận động viên bà và Huawei – và "sự ấm áp đó là ngọn hải đăng dẫn tôi về phía trước".
Song, một người có nickname Laonanchai lại mỉa mai trên mạng xã hội Zhihu: "Có một người đàn ông trạc tuổi bà, cũng là công dân Trung Quốc, làm chung công ty. Anh ta phải ngồi sau song sắt mà không có ngọn hải đăng nào". Một người khác có nickname Haiyan Gongzhu viết: "Nghĩ về sự cố của Meng một lần nữa, đúng là quả báo".
Vẫn có người bênh vực Huawei, chẳng hạn như Hu Xijin, Tổng biên tập tờ Thời báo hoàn cầu: "Mọi người đều có sai lầm, kể cả những công ty vĩ đại nhất".