Theo báo cáo của các hãng tin Hàn Quốc, Samsung và SK Hynix sẽ ngừng cung cấp linh kiện cho Huawei, sau khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất smartphone Trung Quốc. Cả hai công ty Hàn Quốc sẽ ngừng hợp tác với Huawei kể từ ngày 15 tháng 9.
Điều này đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng lớn với Huawei, khi hãng cho biết thậm chí có thể còn không tự sản xuất được chipset Kirin trên các dòng smartphone sắp tới.
Trước đó, Samsung là nhà cung ứng cảm biến camera và tấm nền OLED cho Huawei. Còn SK Hynix là nhà cung ứng chip nhớ, liên quan đến bộ nhớ RAM trong smartphone của Huawei. Các thành phần linh kiện này đều rất quan trọng, và không thể thiếu đối với smartphone.
Các biện pháp trừng phạt bổ sung đã được Mỹ thông qua vào tháng 8, khi cấm các công ty không phải doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện, phần mềm cho Huawei trừ khi được sự chấp thuận đặc biệt.
Samsung Display từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Hiện tại khách hàng lớn nhất của Samsung Display là Apple và Samsung Electronics đối với màn hình OLED trong điện thoại.
Chính phủ Trung Quốc trong một nỗ lực cứu giúp Huawei, đã tài trợ cho nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước có tên là SMIC. Đây được xem là biện pháp thay thế cho TSMC, giúp Huawei có thể tiếp tục tự sản xuất chip xử lý. Tuy nhiên, Chính quyền ông Trump cũng đe dọa trừng phạt cả SMIC.
Huawei đang ngày càng có ít sự lựa chọn để tìm nguồn cung ứng linh kiện cho smartphone của mình. Mặc dù Qualcomm được cho là đang vận động Chính quyền Mỹ để được phép hợp tác với Huawei. Tuy nhiên, tương lai phía trước của Huawei vẫn đang rất đen tối và chưa có bất kỳ giải pháp nào khả thi.
Với lệnh cấm được bổ sung, trên lý thuyết Huawei sẽ không thể tìm đủ nguồn cung ứng để lắp ráp thành một chiếc điện thoại hoàn chỉnh, và có khả năng phải chia tay thị trường, dù các nhà sản xuất vẫn đang nỗ lực kêu gọi chính quyền ông Trump gỡ bỏ lệnh cấm.
Sự khó khăn của Huawei vô tình trở thành cơ hội để các nhà sản xuất khác chiếm lấy "miếng bánh" bị bỏ lại phía sau. Những công ty được hưởng lợi đầu tiên là Apple, Oppo, Xiaomi, Samsung do khai thác chung một thị trường và phân khúc smartphone.