“Hội thảo hợp tác chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện tử giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam” do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Vụ nghiệp vụ Đầu tư Bộ Kinh tế Đài Loan, diễn ra sáng ngày 7 tháng 9 tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử của hai bên, cùng trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác trong chuỗi cung ứng Đài Loan - Việt Nam.
Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử của chính phủ Việt Nam.
Ông Liao Yun Huan - Chủ tịch Liên hội Công nghiệp điện tử Đài Loan tại Việt Nam cũng chia sẻ về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp điện tử Đài Loan tại Việt Nam. Theo đó, hiện đã có 10 doanh nghiệp điện tử lớn của Đài Loan như FOXCONN, PEGATRON, WISTRON, COMPAL, QISDA… đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
“Qua đó có thể thấy, triển vọng tương lai phát triển của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang rất lớn” – ông Liao Yun Huan cho biết thêm.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp điện tử Việt Nam như Viettronics, Hanel và giải pháp phần cứng Bkav cũng lần lượt nêu những hạng mục và cơ hội có thể hợp tác với doanh nghiệp Đài Loan trong thời gian tới.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018 bắt đầu thúc đẩy các nhà máy điện tử và công nghệ ở Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát về các công ty Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy 60% trong số họ coi việc thiếu lao động có kỹ năng là một "thách thức vừa đến nặng".
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan có nhiều dư địa để hợp tác và phát triển cùng có lợi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp địa phương.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương cũng chỉ ra rằng Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng lao động, trong đó có việc tăng cường đào tạo nghề, thúc đẩy hợp tác giữa các trường dạy nghề với doanh nghiệp, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng được doanh nghiệp cử đi đào tạo để làm chủ công nghệ mới.
Thông qua hội thảo lần này, doanh nghiệp hai bên có cơ hội cùng nhau chia sẻ và trao đổi về kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam cũng như thảo luận tìm kiếm các hạng mục có khả năng hợp tác, từ đó thúc đẩy một cách có hiệu quả sự hợp tác của hai bên trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện tử.