Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất thế giới. Điện tử là ngành có giá trị xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam và tạo ra việc làm ước tính cho nhóm lao động lên đến trên một triệu người trong cả nước.
Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội nói chung, đến các doanh nghiệp nói riêng.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt là những biến động lớn về lao động, trong đó có sự suy giảm và thiếu hụt lao động, việc thu hút người lao động trở lại làm việc, tạo ra việc làm thỏa đáng đang là một bài toán khó được đặt ra.
Để tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp mũi nhọn này, ngày 15.7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức diễn đàn ngành điện tử “Việc làm thỏa đáng và tương lai của chuỗi cung ứng điện tử tại Việt Nam”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết: Ngành điện tử là một trong những ngành thu hút nhiều lao động và ngoại hối nhất tại Việt Nam và còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị đầy biến động của năm 2022, ngành Điện tử Việt nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các FDI có xu hướng dịch chuyển vốn và công nghệ sản xuất sang các nền kinh tế mới nổi và ổn định như Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, Việt nam cần khắc phục các khó khăn từ: chính sách chậm, chưa theo kịp xu thế công nghệ; thiếu nguồn lực về lao động lành nghề; những rủi rõ về biến đổi khí hậu, chiến tranh, khan hiếm nguyên liệu, dịch bệnh...
Trước thực trạng đó, VEIA sẽ tăng cường kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Kết nối các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng cho Big Tech. Hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp trong chuyển giao, đổi mới công nghệ.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: công nghiệp điện tử là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp với số lượng lao động trên 1 triệu người.
“Đây không chỉ là nỗi lo của riêng người sử dụng lao động, doanh nghiệp, của tổ chức công đoàn, mà còn là mối quan tâm chung của Chính phủ, các cơ quan quan lý nhà nước và toàn xã hội”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ LĐTBXH trong bài phát biểu đã chỉ ra khó khăn về lao động hiện nay như: nguồn cung lao động giảm thấp nhất trong nhiều năm qua, quý VI năm 2021 giảm 5,3 triệu người. Trước tình hình đó, Cơ quan quản lý nhà nước đã có các biện pháp tài khóa như miễn giảm các loại thuế, hỗ trợ tài chính cho người lao động.
Nhìn nhận về cơ hội và thách thức của việc làm ngành điện tử trong bối cảnh hậu Covid-19 tại diễn đàn ngành điện tử "Việc làm thỏa đáng và tương lai của chuỗi cung ứng điện tử tại Việt Nam”, ngày 15/7, bà Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, ngành điện tử Việt Nam đang đứng trước các cơ hội từ nhu cầu thị trường quốc tế tăng nhanh, Chính phủ trong nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành điện tử Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, bà Liên chỉ ra công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI.
Kỹ năng của người lao động còn thấp, cần phải được đào tạo mới để tham gia các công việc có giá trị gia tăng cao hơn. Sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với các hóa chất; thị lực bị giảm, tăng nguy cơ các bệnh về mắt khi phải nhìn liên tục các chi tiết nhỏ...
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, nhìn nhận: “Việc đảm bảo lực lượng lao động gắn bó, năng suất ổn định và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, cần chú ý tới việc làm thỏa đáng để có thể tăng khả năng cạnh tranh bền vững của ngành công nghiệp điện tử trên thị trường toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Lãnh đạo Văn phòng ILO Việt Nam cũng cho biết thêm, Việt Nam có thể phát triển bền vững ngành điện tử thông qua đầu tư hợp lý vào cải thiện điều kiện làm việc thỏa đáng, bao gồm thúc đẩy đối thoại xã hội cũng như tham gia vào các chương trình tăng cường tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc.
Việt Nam hiện là nơi đặt nhà máy của nhiều hãng công nghệ, điện tử lớn với số vốn lên đến hàng tỷ USD. Trong giai đoạn đại dịch Covid -19, hoạt động xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh do nhu cầu thị trường tăng cao.
Kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử lên tới gần 96 tỷ USD vào năm 2020 và hơn 108 tỷ USD năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu điện tử lên tới hơn 56.8 tỷ USD (tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái), Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất thế giới và ngành công nghiệp này tiếp tục phát triển mạnh, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Buổi tọa đàm tập trung chủ xoay quanh chủ đề “đối thoại xã hội”, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết hiện nay các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các nhà lập pháp trên khắp thế giới ngày càng đặt yêu cầu cao hơn đối với nhiệm vụ thúc đẩy việc làm bền vững trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Đối thoại xã hội sẽ đóng một vai trò chủ đạo giúp đảm bảo các chuỗi cung ứng bền vững. Cần thúc đẩy việc làm thỏa đáng để có được một ngành công nghiệp điện tử bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu tại Việt Nam”, ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh.