Các nhà quản lý của EU đang soạn thảo luật mới, yêu cầu các hãng công nghệ thu thập dữ liệu người dân sống tại các quốc gia thuộc EU (trong đó có Meta) lưu trữ và xử lý những dữ liệu này trên các máy chủ đặt tại châu Âu. Quy định này khiến Meta bối rối, bởi lẽ từ trước đến nay dữ liệu người dùng EU được Facebook xử lý tại các máy chủ đặt ở Mỹ.
Meta đã đề cập đến điều này trong một báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ gần đây: “Nếu chúng tôi không thể chuyển dữ liệu giữa các quốc gia và khu vực mà chúng tôi hoạt động hoặc nếu chúng tôi bị hạn chế chia sẻ dữ liệu giữa các sản phẩm và dịch vụ của mình, điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ của chúng tôi, cách thức chúng tôi cung cấp dịch vụ của mình hoặc khả năng nhắm mục tiêu quảng cáo của chúng tôi”.
Axel Voss, đại biểu Nghị viện châu Âu, viết trên trang Twitter cá nhân sau khi có thông tin Meta sẽ đóng cửa Facebook và Instagram tại châu Âu rằng: "Meta không thể đe dọa EU và buộc EU phá bỏ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu người dân được. Meta sẽ là phía chịu thiệt hại nhiều nhất nếu rút khỏi thị trường châu Âu".
Thỏa thuận về các tiêu chuẩn truyền dữ liệu trực tuyến quan trọng giữa châu Âu và Hoa Kỳ đã bị vô hiệu vào tháng 7 năm 2020 trong một phán quyết của tòa án cấp cao nhất của EU, khiến hãng công nghệ lớn xuyên Đại Tây Dương rơi vào tình trạng không chắc chắn về mặt pháp lý.
Khá thú vị khi Meta không đề cập đến dịch vụ nhắn tin được mã hóa WhatsApp - vốn là một trong những ứng dụng nhắn tin được sử dụng ở nhiều quốc gia EU. Với bản chất được mã hóa của WhatsApp và thiếu quảng cáo trong dịch vụ, có thể việc tách dữ liệu châu Âu và châu Mỹ sẽ không tạo ra nhiều tác động đến lợi nhuận của công ty.
Phản ứng trước tuyên bố này của Meta, ông Axel Voss, đại biểu Nghị viện châu Âu, cho rằng Meta sẽ là phía chịu thiệt hại nhiều nhất nếu rút khỏi thị trường châu Âu. Hiện đây là một trong những thị trường quan trọng nhất của Meta, thu về lợi nhuận 6,8 tỷ USD mỗi năm.
Nếu điều này thực sự xảy ra thì không chỉ người dùng tại châu Âu bị ảnh hưởng mà ngay cả hoạt động kinh doanh của chính Meta và của nhiều doanh nghiệp tại châu Âu cũng bị thiệt hại.
Từ khi công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 đến nay, giá cổ phiếu Meta đã sụt khoảng 30%. Trong quý cuối năm 2021, số lượng người dùng hàng tháng của Facebook không tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, đặt ra những lo ngại về tăng trưởng trong tương lai của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Tài sản của nhà sáng lập Meta, tỷ phú Mark Zuckerberg, cũng đã “bốc hơi” 40,5 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Hiện vị tỷ phú này đã không còn có mặt trong danh sách 10 tỷ phú giàu nhất thế giới.