Reuters đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) dự kiến công bố những quy định chính thức mới dựa trên các hạn chế từ đầu năm nay nhắm tới ba doanh nghiệp bao gồm KLA Corp, LAM Research và Applied Materials.
Theo đó, chính quyền Mỹ cấm 3 doanh nghiệp này xuất khẩu sang Trung Quốc các thiết bị dành cho mục đích chế tạo những loại chip dưới 14 nm (nanometer) trừ khi có giấy phép của DOC.
Các quy định cũng chính thức hóa những biện pháp trong thư của Bộ Thương mại Mỹ gửi Nvidia Corp và Advanced Micro Devices (AMD) hồi tháng trước, qua đó yêu cầu các công ty này dừng những lô xuất khẩu chip điện toán AI sang Trung Quốc nếu không có giấy phép.
Một số nguồn tin cho rằng những quy định mới nhiều khả năng sẽ đi kèm với các hành động bổ sung đối với Trung Quốc. Tuy vậy, cũng tồn tại khả năng những biện pháp hạn chế có thể được điều chỉnh, khiến thời điểm công bố quy định chính thức sẽ diễn ra muộn hơn dự kiến.
Reuters cho rằng khi thiếu chip từ các công ty lớn như Nvidia và AMD, các tổ chức Trung Quốc sẽ không thể đảm bảo hiệu quả về chi phí khi triển khai các hệ thống máy tính tiên tiến để nhận dạng hình ảnh, giọng nói và một số tác vụ khác.
Việc đưa những chỉ thị vừa nêu thành quy định sẽ mở rộng phạm vi và sẽ áp dụng đối với các doanh nghiệp khác của Mỹ sản xuất công nghệ tương tự, nhất là các hãng đang muốn cạnh tranh với công ty Nvidia và AMD về chip AI.
Một nguồn tin khác cho biết thêm các quy định của Bộ Thương Mại cũng có thể áp đặt các yêu cầu về việc xin giấy phép đối với các sản phẩm công nghệ xuất khẩu cho Trung Quốc có chứa các chip được nêu trong các biện pháp hạn chế.
Các công ty như Technologies, Hewlett Packard Enterprise và Super Micro Computer sản xuất các máy chủ dữ liệu có sử dụng con chip A100 của hãng Nvidia cho biết đang theo dõi động thái mới của chính quyền Mỹ.
Hôm 9/9, người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ đã từ chối bình luận về những quy định cụ thể sắp được ban hành, song tái khẳng định rằng bộ này sẽ có cách tiếp cận toàn diện hơn nhằm triển khai những hành động bổ sung để "bảo vệ an ninh quốc gia và các chính sách đối ngoại của Mỹ", trong đó có việc hạn chế Trung Quốc sở hữu công nghệ của Mỹ vì mục đích quân sự.
Jim Lewis, Chuyên gia công nghệ tới từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: “Chiến lược chung là hạn chế sức mạnh của Trung Quốc và họ nhận ra rằng, chip bán dẫn là một lĩnh vực chiến lược. Trung Quốc không thể tự sản xuất nhiều dòng chip và cũng không thể tự chủ được các công cụ sản xuất chip”.