Các giám đốc cao cấp của ba hãng sản xuất chip của Mỹ là Intel, Qualcomm và Xilinx đã có cuộc họp với Bộ Thương mại Mỹ để thảo luận về việc đưa Huawei ra khỏi “danh sách đen” của chính phủ Mỹ. Các hãng sản xuất chip này cho rằng việc đưa Huawei vào “danh sách đen”, cấm các công ty của Mỹ thực hiện giao dịch và buôn bán với Huawei khi chưa có sự cho phép của chính phủ Mỹ sẽ gây thiệt hại lớn cho các công ty này và điều đó sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghệ toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc cấm các công ty Mỹ giao dịch với Huawei sẽ gây thiệt hại lớn về tài chính, khi mà trong năm 2018, Huawei đã chi ra đến 70 tỷ USD để mua các thành phần, linh kiện từ các đối tác của mình, trong đó 11 tỷ USD được chi cho các công ty sản xuất chip của Mỹ như Intel, Qualcomm, Micro Technology...
Trước đó, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cho biết đã thay mặt các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn để sắp xếp các cuộc họp với chính phủ Mỹ nhằm thảo luận lại phạm vi lệnh cấm với Huawei: “Với những công nghệ không liên quan đến an ninh quốc gia, chúng tôi cho rằng chúng không nên nằm trong phạm vi của lệnh cấm đặt hàng”,
Google, hãng công nghệ đang bán cả phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật cho Huawei, cũng đã có những động thái để vận động chính phủ Mỹ cho phép công ty tiếp tục cung cấp các dịch vụ cho Huawei, dù vậy Google vẫn khẳng định hãng luôn tuân thủ theo yêu cầu của chính phủ Mỹ để đảm bảo không vi phạm lệnh cấm.
Trước việc nhiều hãng công nghệ Mỹ đang muốn tiếp tục làm ăn với Huawei, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng của Huawei Andrew Williamson khẳng định Huawei đã không yêu cầu bất kỳ công ty của Mỹ nào “vận động hành lang” để hủy bỏ lệnh cấm với Huawei.
Một đại diện của Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này vẫn thường xuyên trả lời các câu hỏi của các công ty về vi phạm lệnh cấm với Huawei và cho biết những cuộc họp hay gặp mặt đại diện của các công ty không làm ảnh hưởng đến lệnh cấm hiện tại của chính phủ Mỹ với Huawei.