Tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, tập thể lãnh đạo Tổng cục Thuế, các đơn vị liên quan tại Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.
60/63 Cục Thuế hoàn thành vượt dự toán
Năm 2021, tuy ngành Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt từ cuối tháng 4, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa bàn kinh tế trọng điểm đã phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để chống dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu ngân sách. Nhưng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính cộng với sự nỗ lực của cơ quan thuế các cấp, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tổng thu NSNN do ngành Thuế quản lý hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng. Theo báo cáo ước thu năm 2021 của các Cục Thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.
Hàng loạt các chính sách được ban hành hỗ trợ doanh nghiệp
Để tạo thuận lợi cho DN trong việc khai nộp thuế, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó đã triển khai hạ tầng kỹ thuật, hệ thống kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành việc tích hợp 150 TTHC thuế lên cổng dịch vụ công Quốc gia. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang tiếp tục triển khai tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo kế hoạch đề ra.
Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 78/2021/TT-BTC và các quyết định để triển khai giai đoạn 1 hóa đơn điện tử tại 6 Cục Thuế là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định. 6 địa phương này có số lượng người nộp thuế chiếm 60% so toàn quốc và tổng số hóa đơn phát hành trong một năm chiếm khoảng 70% so toàn quốc. Với tinh thần và quyết tâm cao độ triển khai HĐĐT nên tính đến 09h00’ ngày 21/12/2021 (1 tháng sau thời điểm được kích hoạt 21/11/2021), số lượng NNT đã đăng ký sử dụng HĐĐT là 263.182 DN, chiếm 71% tổng số DN, tổ chức kinh tế của 6 tỉnh, TP đáp ứng sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Tính đến 16h ngày 20/12/2021, tổng số hóa đơn có mã đã nhận của 6 Cục Thuế là: 1.707.871 trong đó đã cấp mã 1.702.069 không đủ điều kiện cấp mã: 5.802. Số hóa đơn không mã gửi đầy đủ nội dung tính đến 16h ngày 20/12/2021 của 6 Cục Thuế là: 77.820 hóa đơn.
Bên cạnh các giải pháp, giãn hoãn thuế và hỗ trợ cho DN, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách. Theo đó, trong năm 2021, toàn ngành Thuế thực hiện được 66.449 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 105% kế hoạch năm 2021 (66.449 DN/63.290 DN) và bằng 78% so với cùng kỳ năm 2020; thực hiện kiểm tra 943.725 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 115% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt là 45.332 tỷ đồng, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra đạt là 10.328 tỷ đồng; giảm khấu trừ đạt 2.191 tỷ đồng, giảm lỗ là 32.812 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 7.616 tỷ đồng, bằng 74% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Thống nhất, đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN 2022
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc biểu dương và đánh giá cao kết quả ấn tượng đạt được của ngành thuế trong năm 2021. “Ngành Thuế cơ bản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, nhiệm vu quan trọng nhất thu NSNN vượt mức dự toán được giao, vượt 12,47%. Thu nội địa (trừ dầu và sổ xố kiến thiết) tăng 6,49%. Thu từ xuất nhập khẩu tăng 25%, thu từ dầu thô tăng 79,58%. Theo Bộ trưởng “Trong điều kiện khó khăn như thế, ngành Thuế đã tích cực thu NS và đột phá vào những lĩnh vực thu tiềm năng. Đây là thắng lợi”, Bộ trưởng đánh giá.
Điểm lại thêm một số kết quả nổi bật khác của cơ quan Thuế, Bộ trưởng cho rằng công tác cải cách, hiện đại hóa đã được ngành Thuế triển khai quyết liệt khi tỷ lệ khai nộp thuế điện tử đạt 99%. Tổng cục Thuế cũng đã trình Lãnh đạo Bộ Đề án quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề rất mới mà cần phải tích cực triển khai thực hiện. Đây cũng là nội dung được lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng cũng cho rằng, để công tác đấu tranh hiệu quả các hành vi, trốn thuế gian lận trong hoạt động thương mại điện tử, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật “Các đồng chí xem lại trong Luật Quản lý thuế đã quy định thuế suất của hoạt động TMĐT chưa? Nếu chưa có cần trình cấp có thẩm quyền ban hành thuế suất. Thuế đánh trên doanh thu có chưa? Cách thức thu như thế nào? Cần phải xem và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Bộ trưởng yêu cầu.
Đối với việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT), theo Bộ trưởng, ngành Thuế đã làm rất quyết liệt. Tuy nhiên nếu thực hiện HĐĐT trên toàn quốc phải xem “cơ sở dữ liệu đến đâu rồi? Nếu không có cơ sở dữ liệu chúng ta sẽ không làm gì được. Nếu chưa có cần phải tích cực và sớm triển khai và có cơ sở dữ liệu dự phòng. Bên cạnh đó phải kết nối với CSDL dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, dữ liệu từ ngân hàng cần có liên thông và có công cụ kiểm soát. Đây là bước chuyển về phương thức đối với công tác quản lý thuế.
“Kết quả 2020 rất tích cực và thành tích tốt. Tuy nhiên cần lưu ý, nhiệm vụ của chúng ta hiện nay cần triển khai nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý ngành Thuế về việc kiểm soát chặt chẽ, làm tốt khâu hậu kiểm đối với việc hoàn thuế. "Mỗi năm hoàn thuế hàng trăm ngàn tỷ đồng, hải quan cũng gần 150 ngành tỷ đồng, trong đó thất thoát bao nhiêu? Một số ngành, lĩnh vực tiền ẩn thất thu, thất thoát như chuyển nhượng bất động sản, khai thác khoáng sản cũng cần được chủ động kiểm tra và bịt lỗ hổng kịp thời”.
Bộ trưởng cũng lưu ý ngành Thuế quản lý tốt công tác cán bộ, không để một vài cá nhân làm sai ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của ngành.
Trước ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, Tổng cục Thuế tiếp thu triệt để những ý kiến chỉ đạo, quán triệt của Bộ trưởng, nhất là những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2022 mà Bộ trưởng đã đề ra cho ngành Thuế. Ngay sau Hội nghị này, Tổng cục Thuế sẽ cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống thuế, trong đó tập trung các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ mà Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã giao.