Đông A Gallery là một trong những trang bán hàng chính thức của Công ty Đông A trên nền tảng xã hội trực tuyến. Fanpage Facebook này đại diện cho cho nhà sách Cá Chép có trụ sở tại 115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội – nơi Đông A thuê mặt bằng để làm cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm từ nhiều năm nay.
Tại Đông A Gallery thường xuyên cập nhật những mặt hàng sách, tranh ảnh mới nhất của Đông A cũng như các kế hoạch xuất bản các sách “độ” bìa sắp ra mắt. Đây cũng là nơi Đông A thường xuyên tổ chức các cuộc đấu giá sách “độ” bìa trực tuyến, vào chủ nhật hàng tuần, đem lại doanh thu “khủng” – hàng trăm triệu đồng cho mỗi cuốn sách. Mặc dù những cuốn sách này hoàn toàn chưa được cấp phép.
Để làm rõ vấn đề này, Phóng viên Vietnet24h đã có buổi làm việc với văn phòng Luật sư Famik tại Hà Nội:
Phóng viên: Thưa Luật sư, xin vui lòng cho biết một công ty tổ chức đấu giá các mặt hàng không được phép giao dịch thì bị xử lý thế nào? (VD: Công ty Đông A tổ chức đấu giá những cuốn sách ‘độ’ bìa chưa được cấp phép xuất bản).
Đại diện Văn phòng Luật sư Famik: Trong trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn bán đấu giá tài sản theo khoản 2 Điều 4 Luật đấu giá 01/2016/QH14 thì cần tuân theo các quy định về đấu giá được quy định tại Luật Đấu giá và các văn bản hướng dẫn. Trong trường hợp đó, nếu tổ chức, cá nhân tiến hành bán đấu giá những tài sản chưa được phép giao dịch theo quy định của pháp luật thì có thể bị xử phạt lên tới 30 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp” quy định mức xử phạt trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Phóng viên: Nếu Công ty tổ chức đấu giá có hành vi gian lận như sử dụng các tài khoản “thân quen” để nâng giá... thì sẽ bị xử lý thế nào?
Đại diện Văn phòng Luật sư Famik:
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân lựa bán các tài sản mà theo quy định của pháp luật phải thông qua đấu giá hoặc tự lựa chọn chọn bán tài sản thông qua đấu giá theo khoản 2 Điều 4 Luật đấu giá 01/2016/QH14 thì cần tuân theo các quy định về đấu giá được quy định tại Luật Đấu giá và các văn bản hướng dẫn. Khi đó, trong trường hợp có các hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản là hành vi lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý.
“Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;
b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;
c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Phóng viên: Ngoài việc tổ chức đấu giá, công ty đó còn thực hiện bán “chui” hàng hóa không được cấp phép của họ thông qua tin nhắn riêng trên Facebook. Theo đó, người mua sẽ phải chuyển khoản tiền vào tài khoản cá nhân của ông Giám đốc kinh doanh chứ không phải là tài khoản công ty đã đăng ký theo quy định pháp luật. Như vậy, có phải Công ty đó đang thực hiện hành vi gian lận thương mại để trốn thuế?
Đại diện Văn phòng Luật sư Famik: Thông thường một công ty bán sản phẩm của họ thì số tiền giao dịch phải được chuyển vào tài khoản của Công ty đã đăng ký theo quy định của pháp luật. Nếu công ty đó thực hiện bán “ngầm” rồi thu tiền vào tài khoản cá nhân thì cho thấy dấu hiệu của việc trốn thuế. Nhưng để làm rõ có hay không có sai phạm này cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian nhất định. Ngoài ra, đối với hàng hóa là sách có mục đích đưa vào giao dịch mua bán thì cần đảm bảo các điều kiện về đăng ký xuất bản phù hợp với quy định của pháp luật trước khi lưu hành.
Phóng viên: Xin cảm ơn Luật sư!
Lập Fanpage Facebook để bán sách ‘độ’ bìa, bán luôn cả sách cấm – sách chống phá tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Kể từ khi sách “độ” bìa của Công ty Đông A xuất hiện đến nay đã có rất nhiều các Fanpage trên Facebook được thành lập hậu thuẫn cho việc tiêu thụ và quảng cáo cho loại sách này. Mỗi Fanpage thu hút đông đảo người tham gia, số thành viên ở mỗi nhóm lên đến vài ngàn. Các nhóm tiêu biểu như: “CLB sách S100”; “Sàn Đấu Giá Sách Việt”; “CLB NGƯỜI SƯU TẦM BẢN SÁCH GIỚI HẠN”; “Đông A: Buy, Sell and Exchange”; “CLB Người chơi sách phiên bản giới hạn đặc biệt Việt Nam”...
Nhưng có một sự thật động trời đó là tại “CLB sách S100”, ngoài việc bán các sách “độ” bìa còn bán cả các loại sách cấm, sách có tư tưởng chống phá chủ nghĩa xã hội. Các sách này được một số Facebook cá nhân đăng trong các Fanpage kể trên. Sách cấm được đăng bán có tên là “Chuyện ở nông trại” bản tiếng Việt và “Animal Farm” bản tiếng Anh.
Điều tra theo tên 2 cuốn sách này, các nguồn tin uy tín trong ngành Xuất bản đã cho chúng tôi biết cuốn sách “Trại súc vật” hay còn có tên “Chuyện ở nông trại” của George Orwell đã bị cấm lưu hành tại Việt Nam từ nhiều năm nay (2013). Cuốn sách được cho là chứa rất nhiều luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội.
Đối với phiên bản tiếng Anh “Animal Farm’, thông tin từ một số công ty nhập khẩu sách lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết: kể từ năm 2013, khi bản dịch tiếng Việt bị cấm, bản tiếng Anh cũng không cho phép nhập khẩu.
Rõ ràng, đây là những cuốn sách bị cấm ở Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, gây tác động xấu văn hóa xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý bạn đọc cả nước, đến sự lãnh đạo của Đảng, mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Đã 8 năm trôi qua từ khi Luật xuất bản 2012 được áp dụng. Nhưng ngành sách lại ngày càng suy giảm, teo tóp lại. Ngoài các nguyên nhân khách quan do sự cạnh tranh của công nghệ truyền thông đa phương tiện, đại dịch Covid -19, còn có nguyên nhân chủ quan, mà phần lớn là do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là Cục Xuất bản) đối với nạn bán sách lậu, sách cấm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của sách thật và quản lý thuế của nhà nước.
Sẽ rất nguy hại cho văn hóa, kinh tế xã hội Việt Nam nếu các loại sách vi phạm này, khi bị phát hiện, sẽ bị cấm bán công khai nhưng vẫn được tiêu thụ “ngầm” qua các tin nhắn riêng trên Facebook như trường hợp của công ty Đông A ở trên. Hành động ấy, thực sự đã biến Cục Xuất bản thành “bù nhìn rơm đứng giữa cánh đồng”, có thể dọa được mấy con chim sẻ nhưng vẫn để chuột, sâu bọ phá hoại mùa màng.