WeChat đang được hơn 1,2 tỷ người dùng toàn cầu sử dụng và phổ cập tại Trung Quốc, nơi người dân, doanh nghiệp và chính phủ đều dùng nó để thanh toán di động, nhắn tin, thương mại điện tử… Với họ, WeChat không phải một ứng dụng, nó chính là một hệ điều hành. Khi nhấc điện thoại lên, họ sẽ ngay lập tức mở WeChat. Còn với bất kỳ ai đang kinh doanh tại Trung Quốc, kể cả doanh nghiệp Mỹ, đây cũng là kênh tiếp thị cần thiết để kết nối với khách hàng.
95% người dùng Trung Quốc thà bỏ iPhone chứ nhất định không chịu mất WeChat, đặt ra rủi ro lớn cho Apple một khi lệnh cấm WeChat có hiệu lực.
Theo CNET, vừa qua nhiều công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đã gọi điện yêu cầu Nhà Trắng làm rõ hơn về lệnh hành pháp trong việc cấm “bất kỳ giao dịch nào liên quan đến WeChat”. Như đã biết, lệnh hành pháp được ông Trump ban hành vào ngày 6.8 nhằm mục tiêu vào TikTok và WeChat - hai ứng dụng đều có trụ sở tại Trung Quốc. Nội dung lệnh hành pháp đề cập đến khả năng các ứng dụng này có thể đe dọa đến “an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ”.
WeChat còn vô cùng quan trọng đối với người dân Trung Quốc sống ở nước ngoài để liên lạc với người thân ở quê nhà, do nhà chức trách Trung Quốc chặn nhiều mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin nước ngoài như Facebook, WhatsApp, Telegram và Line.
Trung Quốc vốn là thị trường đặc biệt với Apple. Công ty Canalys ước tính rằng trong năm 2019, Trung Quốc giữ vị trí thị trường lớn thứ hai của Apple, sau Mỹ.
Ông Ming-Chi Kuo đánh giá Apple có một giải pháp khác là chỉ loại WeChat khỏi App Store tại Mỹ.
Ông Kuo cũng cảnh báo, không chỉ iPhone chịu tác động từ lệnh cấm WeChat của Nhà Trắng. Trong trường hợp Apple loại bỏ ứng dụng WeChat trên iOS toàn cầu, thì những sản phẩm như AirPods, iPads, MacBooks và Apple Watch cũng giảm doanh số từ 15-25%. Theo ông Kuo, lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Trump không hề có mục đích nhắm đến Apple mà mục tiêu của nhà lãnh đạo Mỹ là cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Mặc dù vậy, giới phân tích đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ từ lệnh cấm WeChat đối với các doanh nghiệp Mỹ. WeChat, thuộc sở hữu của Tencent có trụ sở tại Trung Quốc, là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất trên thế giới với hơn 1 tỉ người dùng trên toàn cầu và phần lớn ở Trung Quốc. Các chuyên gia cảnh báo lệnh cấm WeChat có thể làm hạn chế nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ ở thị trường Trung Quốc. Ví dụ, doanh số iPhone có thể giảm 30% trên toàn thế giới nếu lệnh cấm buộc App Store phải bỏ WeChat.
Sau khi lệnh cấm được ban hành, phát ngôn viên của Tencent cho biết công ty này đang xem xét lại lệnh hành pháp để có cái nhìn đầy đủ hơn.
Liên quan đến các công ty phản ứng với lệnh cấm, báo cáo nói rằng ngoài Apple, Disney và Walmart còn có những cái tên đáng chú ý khác như Ford, Proctor & Gamble, MetLife, Intel, Goldman Sachs, United Parcel Service, Morgan Stanley, Merck & Co. và Cargill. Hiện tại cả Disney, Apple và Nhà Trắng đều không đưa ra câu trả lời về báo cáo.