WeChat (hay còn có tên gọi Weixin tại Trung Quốc) là dịch vụ nhắn tin phổ biến của Trung Quốc, thu hút hơn một tỷ người dùng trên toàn cầu; là ứng dụng di động cho phép người dùng chat bằng video, âm thanh hoặc văn bản trực tiếp trên smartphone… hoạt động dưới dạng một cộng đồng như mạng xã hội. Đây là ứng dụng của Tencent, một trong những hãng phần mềm lớn nhất tại Trung Quốc.
Theo báo cáo của Citizen Lab, WeChat đã âm thầm thực hiện việc kiểm duyệt đối với người dùng có tài khoản đăng ký bằng số điện thoại tại Trung Quốc mà không cần báo trước.
Trong khi đó, theo WSJ, nghiên cứu của nhóm Citizen Lab tại Đại học Toronto (Canada), công bố ngày 7/5, cho thấy WeChat còn theo dõi cả hoạt động của người dùng bên ngoài Trung Quốc. Nếu phát hiện nội dung nhạy cảm, ứng dụng sẽ đưa nội dung đó vào danh sách cấm.
Nhóm nghiên cứu cho biết, hình ảnh và tài liệu được gửi giữa những người dùng quốc tế giúp “luyện” và tăng độ chính xác cho thuật toán kiểm duyệt. Cụ thể, Citizen Lab thiết lập hai nhóm chat trên WeChat, một sử dụng các tài khoản đăng ký bằng số điện thoại ở Trung Quốc và một sử dụng những số điện thoại ngoài Trung Quốc.
“Chúng tôi chia sẻ bức ảnh nhạy cảm trong nhóm người dùng quốc tế. Một phút sau, chúng tôi gửi bức ảnh bình thường, nhưng có cùng hash, tới nhóm người dùng Trung Quốc và ảnh đó bị kiểm duyệt, không hiển thị”, Jeffrey Knockel, nhà nghiên cứu tại Citizen Lab, nói. “Trừ khi có tồn tại hệ thống theo dõi nội dung giữa những người dùng quốc tế, không thể giải thích được tại sao bức ảnh không nhạy cảm lại bị kiểm duyệt”.
Tuy nhiên, Citizen Lab cũng nói không có bằng chứng cho thấy việc kiểm duyệt người dùng quốc tế xuất phát từ lệnh của chính phủ Trung Quốc. Tencent, hãng phát triển WeChat, không bình luận về kết quả nghiên cứu.
Cả hai kho ứng dụng Google Play và Apple Store đều yêu cầu các nhà phát triển ghi chú rõ ràng những dữ liệu mà họ thu thập, tuy nhiên WeChat không hề đề cập đến việc này trong phần chính sách bảo mật. Bên cạnh đó, công ty cũng không bao giờ trả lời email được gửi bởi các nhà nghiên cứu liên quan đến chương trình giám sát.
Người dân tại Trung Quốc được cho là đã quen và biết cách để “sống chung” với hệ thống Internet bị kiểm duyệt gắt gao trong nước.
Vào năm 2013, WeChat đã âm thầm truyền bá bản đồ có chứa đường lưỡi bò trái phép vào Việt Nam. Trong quá trình cài đặt, Tencent (công ty phát triển WeChat) yêu cầu người dùng chấp nhận khá nhiều điều khoản, trong đó có đoạn đồng ý với mọi thông tin trên ứng dụng là đúng sự thật.
WeChat hiện là một trong những ứng dụng nhắn tin được sử dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc và trên toàn thế giới. Tính đến quý 3/2019, WeChat đã có hơn 1,15 tỷ người dùng mỗi tháng. Tại Trung Quốc, WeChat không chỉ đơn thuần là một ứng dụng nhắn tin mà còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như ví điện tử để thanh toán trực tuyến, trả tiền khi mua sắm hay gọi taxi…
Cuối năm 2019, một số nhà nghiên cứu cũng bày tỏ lo ngại TikTok có thể trở thành vũ khí của Trung Quốc trong cuộc chiến thông tin, định hướng góc nhìn của người dùng Mỹ đối với các sự kiện ngoài đời thực. Nguyên nhân là, trong khi các hashtag liên quan đến biểu tình ở Hong Kong lan rộng trên mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram…, các nền tảng chia sẻ do Trung Quốc phát triển như TikTok lại im ắng. Giới chuyên gia cho rằng TikTok có thể bị tác động bởichính quyền Bắc Kinh để định hướng dư luận liên quan tới các vụ biểu tình.