Mới đây, đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết nhu cầu nhân lực của thành phố sau Tết Nguyên đán 2022 khoảng 44.800-55.600 chỗ làm việc.
Các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như: kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn-nghiên cứu khoa học và phát triển; công nghệ thông tin; dịch vụ du lịch-lưu trú và ăn uống; công nghệ lương thực-thực phẩm; kỹ thuật điện-điện lạnh-điện công nghiệp-điện tử…
Như vậy, nhu cầu nhân lực của thành phố trong quý 1/2022 cần khoảng 78.500-86.900 lao động, trong đó nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39%; bao gồm trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%.
Khảo sát thị trường lao động trước và sau Tết Nguyên đán năm 2022 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố mới đây cũng cho thấy phần lớn doanh nghiệp sẽ triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cùng thời điểm, một lượng lao động lớn từ các tỉnh đã và đang quay lại thành phố sau thời gian về quê ăn Tết, dịch bệnh được kiểm soát sẽ giúp cho thị trường lao động sôi động trở lại.
Ngoài ra, những nỗ lực chăm lo Tết của các cấp chính quyền, doanh nghiệp thành phố về lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động về quê hoặc ở lại thành phố đón Tết đã góp phần thị trường lao động sau Tết ổn định và có những chuyển biến tích cực hơn.
Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động của ngành lao động-thương binh và xã hội, nhất là lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc sẽ góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân sự; tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên, học viên, người lao động tìm việc.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên thành phố, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhu cầu nguồn nhân lực của thành phố rất lớn, nhất là nguồn nhân lực trẻ.
“Tuy nhiên, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới, doanh nghiệp và người lao động cần chủ động, linh hoạt trong quá trình tham gia thị trường lao động," ông Sang chia sẻ.
Doanh nghiệp, cần xây dựng kế hoạch, chính sách tuyển dụng nhân sự phù hợp; có phương án đảm bảo về phòng, chống dịch trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tăng cường các chương trình phúc lợi, chế độ đãi ngộ tương xứng cho người lao động.
Ngược lại, người lao động, cần chủ động nắm bắt cơ hội; xây dựng lề lối, tác phong, đạo đức nghề nghiệp; nâng cao khả năng thích ứng, đảm bảo yêu cầu công việc trước yêu cầu mới để có được việc làm ổn định và thu nhập phù hợp.