Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo cấp cao “Tăng cường đối thoại chính sách giữa quốc gia đầu tư và quốc gia tiếp nhận đầu tư - Tối đa hoá tác động của các doanh nghiệp đa quốc gia đối với việc làm bền vững trong ngành điện tử tại Việt Nam”. Hội thảo do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản hỗ trợ trong khuôn khổ dự án “Cải thiện số lượng và chất lượng việc làm thông qua các phương thức thực hành lao động trách nhiệm trong ngành điện tử tại Việt Nam”. Dự án đã làm việc với các doanh nghiệp đa quốc gia, các nhà cung cấp trực tiếp và các đối tác xã hội để thúc đẩy việc áp dụng các nguyên tắc liên quan đến tuyên bố ba bên về các nguyên tắc liên quan tới các doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh và trở thành ngành công nghiệp chủ chốt trong nền kinh tế Việt Nam. Trong năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt hơn 71 tỉ USD, gấp 2,5 lần công nghiệp dệt may và gấp gần 5 lần ngành da giày. Trong vòng 5 năm qua (2012-2017), số lượng các DN điện tử tăng gấp 2 lần và đạt 1.237 DN (năm 2015). Số lao động trong ngành này tăng 3 lần từ tổng số lao động trong ngành 238.821 năm 2011 đã tăng đến 611.429 lao động tính đến cuối năm 2017.
Từ năm 2016 đến nay, dự án đã triển khai các hoạt động thúc đẩy đối thoại của doanh nghiệp về thực hành về lao động có trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác quản lý lao động trong ngành điện tử tại Việt Nam. Các hoạt động triển khai xuyên suốt chuỗi cung ứng, kết nối và tác động tới doanh nghiệp ở các cấp độ cung ứng khác nhau nhằm thúc đẩy đối thoại liên tục tại cấp doanh nghiệp, cấp ngành, cấp quốc gia và cao hơn nữa là giữa nước chủ đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư của các Doanh nghiệp đa quốc gia (DNĐQG). Đối thoại ở nhiều cấp độ đã thúc đẩy các sáng kiến và hành động chung tích cực giữa tất cả các bên liên quan cùng hướng tới cải thiện việc làm bền vững tại Việt Nam.
Các DNĐQG đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, Vấn đề này thu hút sự quan tâm của các chính phủ cũng như người sử dụng lao động và người lao động. Thông qua đầu tư trực tiếp quốc tế, thương mại và các hình thức khác, những DN đó có thể mang lại lợi ích đáng kể cho nước sở tại bằng cách góp phần sử dụng vốn, công nghệ và lao động hiệu quả hơn.
Tháng 10/2017, Liên minh các doanh nghiệp Điện tử tại Việt Nam thúc đẩy các hoạt động lao động có trách nhiệm với xã hội chính thức được thành lập. Đây là sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). “Sự ra đời của Liên minh khuyến khích phát triển môi trường đối thoại đáng tin cậy giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và ngành điện tử, đồng thời tổng hợp tiếng nói của ngành điện tử trong đối thoại chính sách rộng hơn với các bên liên quan khác và cùng hành động giải quyết những thách thức mà ngành phải đối mặt” - bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam chia sẻ.
“Việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực điện tử sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực này. Trước hết là tạo ra môi trường có thể thu hút người lao động có kỹ năng cũng như nâng cao kỹ năng của người lao động. Khi có nguồn lao động tốt, các doanh nghiệp có điều kiện đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới và có thể cung ứng cho thị trường những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao hơn. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội giúp cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu, chiếm được tình cảm và uy tín đối với người tiêu dùng” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Cũng theo TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam: “Thông thường ở các quốc gia khác, những ngành kinh tế chiến lược, như ngành điện tử, tạo đà cho toàn bộ nền kinh tế. Đó là lý do vì sao nên đầu tư cho việc thành lập và mở rộng Liên minh này, để tạo ra một tấm gương sáng trước hết ở ngành điện tử, từ đó các ngành khác của nền kinh tế có thể noi theo và nhân rộng mô hình.”
Trong bối cảnh đó, hội thảo này được tổ chức nhằm tăng cường hơn nữa đối thoại chính sách quốc gia nhằm mục đích tối đa hóa tác động việc làm bền vững trong các doanh nghiệp FDI/DNĐQG tại Việt Nam và thảo luận về vai trò của các quốc gia đầu tư trong việc tạo ra việc làm bền vững ở Việt Nam, đặc biệt là khi các doanh nghiệp FDI chiếm đa số trong các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như ngành điện tử. Đây sẽ là dấu mốc đánh dấu các kết quả của việc thực hiện Tuyên bố ba bên của ILO về các nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội từ trước cho đến nay và mở ra các bước tiến tiếp theo cho việc thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội trong lao động trong chuỗi cung ứng tại Châu Á thời gian tới.