Động thái này được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng.
Theo hãng tin AFP, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho hay các công ty, tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ bị đưa vào danh sách "các thực thể không đáng tin cậy" nếu không tuân thủ các quy định thị trường, đi ngược lại quy tắc trong hợp đồng hay phong tỏa, ngừng cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại và gây hủy hoại nghiêm trọng quyền chính đáng và lợi ích của doanh nghiệp nước sở tại.
Ông Cao Phong cho biết các biện pháp chi tiết sẽ được thông báo trong thời gian tới.
Danh sách các thực thể không tin cậy mà Bắc Kinh nói đến có thể bao gồm các doanh nghiệp vi phạm quy định của thị trường, tinh thần nội dung hợp đồng đã ký, hoặc vì lý do phi thương mại cản trở việc cung ứng vật tư cho doanh nghiệp Trung Quốc. Thông báo của bộ Thương Mại Trung Quốc nhấn mạnh đó là những thực thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Tuần này, Trung Quốc nói rằng bước đi tiếp theo để nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung phải đến từ phía Mỹ, trong khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố không vội đi đến một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6, nhưng nhiều nhà phân tích không mấy lạc quan về khả năng hai bên đạt một giải pháp nhanh chóng.
Theo nhà phân tích James Yan của Counterpoint Research, lời đe dọa "danh sách đen" của Trung Quốc "gia tăng áp lực đối với Washington vào thời điểm mà Chính phủ Mỹ muốn mở rộng danh sách cấm đối với các công ty Trung Quốc". Theo ông Yan, "Trung Quốc có khả năng chọn một số công ty để trừng phạt, nhưng có thể sẽ không nhằm vào tất cả mọi công ty trong chuỗi cung ứng.
Động thái đe dọa của Bắc Kinh được đưa ra vào lúc ngày hôm nay (01/06) Washington bắt đầu áp dụng mức thuế 25% nhắm vào 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ và ngược lại quyết định của Bắc Kinh đánh thuế từ 20% đến 25% vào 60 tỷ hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc cũng bắt đầu có hiệu lực.
Trong một diễn biến khác liên quan đến Trung Quốc. Trong khi đòn trừng phạt công nghệ của Washington đánh vào Huawei đang khiến một loạt các công ty Mỹ và các khách hàng châu Âu quay lưng lại với tập với đoàn viễn thông Trung Quốc, thì Liên Hiệp Châu Phi đã ký với Huawei thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, theo thông báo hôm qua của Huawei.
Là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, Trung Quốc hàng năm vẫn đổ nhiều tỷ đô la vào lục địa đen đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở.
Mấy ngày gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc phát tín hiệu về các biện pháp trả đũa khác mà nước này có thể sử dụng, bao gồm khả năng hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
"Trả đũa kiểu Trung Quốc khó có thể lay chuyển được chính quyền ông Trump", chuyên gia Jude Blanchette thuộc Crumpton Group nhận xét. "Việc Trung Quốc đưa ra một danh sách thực thể sẽ chỉ khiến các công ty nước ngoài tin rằng rủi ro chính trị và pháp lý đối với hoạt động của họ ở Trung Quốc ngày càng tăng lên".