Ngày 6/7, Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra tại Hà Nội. Trong khuôn khổ sự kiện, Zalo nhận bằng khen từ Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vì những đóng góp quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Để chuẩn bị cho tình huống Covid-19 diễn biến phức tạp, Zalo đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng chatbot hỗ trợ tra cứu các cơ sở y tế có khả năng thu dung, điều trị Covid-19 kèm theo số điện thoại liên lạc. Công cụ này có thể trả về kết quả nơi người dùng sinh sống hoặc địa phương bất kỳ. Chatbot được tích hợp trên OA của Bộ Y Tế và OA Phòng chống virus SARS-CoV-2, thu hút được hơn 10,5 triệu lượt kích hoạt, tra cứu thông tin tại 63 tỉnh, thành phố.
Trong suốt quá trình tham gia phòng chống dịch, Zalo của Bộ Y Tế đã chuyển đi hơn 3,5 tỷ thông báo về Covid -19 đến người dân Việt Nam. Việc này, vừa góp phần truyền thông về dịch bệnh, vừa giúp hạn chế tin giả gây hoang mang trong dư luận.
Bên cạnh việc tra cứu bệnh viện tiếp nhận, chatbot còn hỗ trợ xem thống kê tình hình dịch bệnh ở Việt Nam dưới dạng bản đồ theo thời gian thực. Số người nhập viện cách ly, số người đang điều trị và đã hồi phục… cũng được cập nhật liên tục. Việc thể hiện dữ liệu một cách trực quan, giúp người dân dễ hình dung về diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam, chủ động trong việc phòng ngừa cho bản thân, gia đình.
Zalo cũng đã thiết lập trang tạo sự kiện trực tuyến – Zalo Event, hỗ trợ đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Với trang này, người dùng có thể tạo sự kiện sinh nhật, lễ cưới, lễ tang mà không cần tiếp xúc trực tiếp, tránh lây lan virus corona. Số truy cập trang tạo sự kiện này trong thời gian qua là 1.447.365.
Ngày 23/1, Việt Nam ghi nhận ca dương tính đầu tiên với Covid-19, Zalo đã làm việc xuyên Tết Nguyên đán, để phối hợp với Bộ Y tế đưa những thông tin về cẩm nang phòng bệnh đến người dân Việt Nam. Những thông tin chính thống đầu tiên về dịch bệnh đã được gửi đến người dân vào mùng 3 Tết, thông qua Zalo.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm và phương hướng sáu tháng cuối năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, tình huống khẩn cấp như đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ ý nghĩa của việc tự chủ công nghệ. Dù toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu nhưng vẫn phải tính đến tình huống bị cô lập. Nền tảng công nghệ thông tin Việt Nam đã giúp chống dịch và thiết lập trạng thái bình thường mới.
Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị công nghệ khi vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, vừa góp sức chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp cần coi thị trường trong nước là cái nôi để từ đây lớn lên, trưởng thành và đi ra toàn cầu.