Việc Apple được cho là sẽ điều chỉnh giá bán cho dòng iPhone 17 sắp ra mắt không đơn thuần chỉ là câu chuyện tăng giá sản phẩm. Đó là phản ánh của ba yếu tố mang tính chiến lược cùng lúc: căng thẳng địa chính trị, sức ép đổi mới công nghệ, và kỳ vọng thị trường vào một thế hệ iPhone mang tính “chuyển mình”.
Theo Wall Street Journal, Apple đang cân nhắc tăng giá dòng iPhone 17 – một quyết định mà hãng cố gắng không gắn trực tiếp với tác động từ thuế quan Mỹ - Trung. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, khi chuỗi cung ứng iPhone vẫn phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc – nơi sản xuất tới 90% iPhone toàn cầu – thì mức thuế nhập khẩu 30% vào Mỹ sẽ khiến chi phí đội lên đáng kể. Dù đã chuyển một phần dây chuyền sang Ấn Độ, Apple vẫn phải gánh ước tính 900 triệu USD chi phí phát sinh chỉ trong quý II/2025, theo chính số liệu hãng công bố.
Trong bối cảnh đó, tăng giá không còn là “tùy chọn”, mà trở thành một phần trong chiến lược duy trì biên lợi nhuận – điều vốn là DNA trong mô hình kinh doanh của Apple.
Apple chưa xác nhận chính thức, nhưng các nguồn tin thân cận cho biết hãng sẽ dùng “thiết kế mới” và “tính năng mới” để hợp thức hóa quyết định tăng giá. Trong số đó, mẫu iPhone 17 Air siêu mỏng là điểm nhấn có thể được dùng làm biểu tượng đổi mới cho toàn bộ dòng sản phẩm. Các điều chỉnh về cụm camera, thay đổi giao diện phần cứng cũng sẽ giúp Apple tạo dựng lại cảm giác “đáng nâng cấp” vốn đã mờ nhạt vài năm gần đây.
Song, câu hỏi đặt ra là liệu chừng đó có đủ thuyết phục người dùng chấp nhận mức giá cao hơn – đặc biệt trong bối cảnh các đối thủ như Samsung đang nhanh chân tung loạt sản phẩm tích hợp AI mạnh mẽ hơn, giá linh hoạt hơn?
Từ đầu năm 2024, Samsung đã nhanh chóng định hình là thương hiệu điện thoại “AI-first” với loạt tính năng như ProVisual Engine, dịch thuật thời gian thực hay hỗ trợ vẽ AI. Trong khi đó, Apple vẫn kín tiếng về chiến lược AI của mình, chỉ lấp lửng về việc tích hợp trí tuệ nhân tạo trên iOS 18 vào cuối năm.
Sự chậm trễ này khiến việc tăng giá trở nên nhạy cảm hơn – người dùng có thể chấp nhận trả thêm nếu thấy rõ giá trị bổ sung, nhưng sẽ hoài nghi nếu đó chỉ là những điều chỉnh thẩm mỹ bề ngoài.
Mark Gurman, cây bút uy tín từ Bloomberg, tiết lộ Apple đang ấp ủ một thiết kế “mang tính đột phá thật sự” cho dịp kỷ niệm 20 năm iPhone vào năm 2027: một chiếc máy cong hoàn toàn, làm bằng kính liền khối, không viền, không cắt gọt. Nếu điều này là thật, có thể Apple đang tạm “dậm chân tại chỗ” với dòng iPhone 17 – không phải vì thiếu năng lực đổi mới, mà vì đang tích lũy công nghệ cho một cú hích lớn hơn trong tương lai.
Apple đang đứng trước thế lưỡng nan: tăng giá để duy trì lợi nhuận nhưng lại phải tránh làm tổn hại hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Trong cuộc chơi ngày càng khó đoán của ngành smartphone, iPhone 17 sẽ không chỉ là một sản phẩm, mà là phép thử thực sự cho khả năng cân bằng giữa đổi mới, chiến lược địa chính trị và kỳ vọng thị trường mà Apple phải đối mặt.