Tháng 9, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden đã mang đến một số thương vụ kinh doanh lớn. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ký thỏa thuận ban đầu mua 50 máy bay Boeing 737 MAX trị giá khoảng 10 tỷ USD.
FPT Software cũng công bố quan hệ đối tác chiến lược với công ty khởi nghiệp Landing AI của Mỹ. Synopsys, một công ty thiết kế chip hàng đầu của Mỹ, đã ký một biên bản ghi nhớ về việc hợp tác giúp ngành bán dẫn Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực thiết kế chip.
Trong quá khứ, Việt Nam chứng kiến ba đợt bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng kể. Lần đầu tiên xảy ra khi Honda Motor bắt đầu sản xuất xe hai bánh tại Việt Nam vào năm 1997. Làn sóng thứ hai kéo dài từ những năm 2000 đến năm 2008 khi ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ, gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khoảng thời gian này, Samsung Electronics đầu tư cơ sở sản xuất điện thoại thông minh tại Bắc Ninh năm 2009.
Đợt bùng nổ thứ ba diễn ra vào giữa những năm 2010. Với sức mua ngày càng tăng, Việt Nam cũng trở thành thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài. Chẳng hạn, “gã khổng lồ" bán lẻ của Nhật Bản Aeon đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014.
Chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, cơ hội hình thành làn sóng FDI thứ tư.
Trước đó, FDI của Mỹ vào Việt Nam được nhìn nhận là rất khiêm tốn so với các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến cuối 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam là 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có rót vốn vào thị trường hơn 100 triệu dân này. Nếu so sánh, Hàn Quốc đang rót 80,9 tỷ USD, Singapore là 70,8 tỷ USD, Nhật Bản là 68,8 tỷ USD.
Trong chuyến thăm trụ sở của công ty sản xuất chip Nvidia ở San Francisco vào ngày 19/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi Giám đốc điều hành (CEO) Nvidia Jensen Huang thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam và tận dụng nó làm trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á.
Đáp lại đề xuất nói trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Huang đánh giá Việt Nam đang có những thay đổi lớn. Thủ tướng cũng đã gặp gỡ những nhân vật nổi bật khác trong lĩnh vực công nghệ Mỹ, bao gồm nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, cũng như các giám đốc cấp cao cấp cao của Meta và SpaceX.
Hiện Việt Nam muốn chuyển hướng từ các ngành thâm dụng lao động truyền thống như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt là các công ty chiếm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn, AI, sẽ rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua đã yêu cầu xây dựng đề án phát triển nhân lực với mục tiêu đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư, 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip, bán dẫn. Việt Nam cũng đang cân nhắc các biện pháp, chính sách mới để thu hút các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để biết đợt bùng nổ FDI lần thứ tư tại Việt Nam có trở thành hiện thực không.