Sự phát triển bùng nổ của kinh tế số với các dịch vụ xuyên biên giới đã và đang đặt ra nhiều khó khăn đối với công tác quản lý thuế khi mà việc kiểm soát giao dịch kinh doanh trong thời đại công nghệ 4.0, cũng như xác định căn cứ tính thuế không còn dễ dàng như các giao dịch kinh doanh truyền thống.
Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 vừa đưa ra dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỉ USD, đánh dấu năm đầu tiên đạt cột mốc này. So với thời điểm nở rộ thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2015, trị giá thương mại điện tử bán lẻ năm 2022 sẽ tăng gấp 4 lần, từ 4 tỉ USD lên hơn 16 tỉ USD. Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt mức 39 tỉ USD, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á.
Những đặc trưng của nền kinh tế số và sự phát triển nhanh chóng của nó đã mang lại tiềm năng rất lớn cho nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế. Đó là những khó khăn liên quan đến việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp, việc xác định căn cứ tính thuế, phân biệt loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế, kiểm soát dòng tiền...
Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã chính thức đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế. Cổng thông tin điện tử là địa chỉ để NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế Việt Nam.
Với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở Khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của Quốc gia đối với Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới ở nước ta.
Ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua, Tổng cục Thuế cũng đã thực hiện nhiều hình thức, giải pháp tuyên truyền, trao đổi, vận động trực tiếp các nhà cung cấp của nước ngoài để thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
Theo đó, các nhà cung cấp của nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Apple…; hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán (có các nhà cung cấp nước ngoài lớn hoạt động tại Việt Nam), một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte để đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp của nước ngoài.
Theo đó, kể từ khi Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN đi vào hoạt động đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và đăng ký thuế cho nhiều NCCNN lớn, trong đó có những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Meta (Facebook), Google, Microsoft, Tiktok, Neflix... với số thuế nộp ngân sách nhà nước lên tới hàng chục triệu USD.
Tại kỳ kê khai quý 1/2022, nhiều “ông lớn” thương mại điện tử đã đóng góp số thu cho ngân sách tích cực. Cụ thể, TikTok đã nộp 34,5 tỷ đồng, Netflix đã nộp 7,8 tỷ đồng…
Tính chung từ năm 2018 đến 14/7/2022, số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, một số được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như Facebook là 2.076 tỷ đồng; Google là 2.040 tỷ đồng; Microsoft là 699 tỷ đồng.
Trước đây, thông qua cơ chế thu thuế nhà thầu nước ngoài, các nhà cung cấp của nước ngoài hoạt động xuyên biên giới phải ủy quyền cho các tổ chức trong nước đứng ra kê khai, nộp thuế thay cho họ, thì với sự ra đời của cổng thông tin điện tử này, cho dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, các nhà cung cấp của nước ngoài cũng có thể thực hiện được nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế Việt Nam một cách nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch nhất.
Ông Nguyễn Bằng Thắng cho biết điều này không những tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp của nước ngoài, mà còn tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân trong nước; đồng thời khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.