Hàng loạt hãng công nghệ Mỹ như Framework, Razer và cả Micron đang “xoay như chong chóng” trước làn sóng thuế quan mới dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump – động thái được ví như cú hích khiến nhiều sản phẩm công nghệ phải âm thầm rút khỏi thị trường nội địa.
Ngay sau khi mức thuế mới của chính quyền ông Trump có hiệu lực từ ngày 5/4, Framework Computer – công ty khởi nghiệp phần cứng được yêu thích nhờ triết lý “máy tính có thể tự sửa” – đã tạm ngừng bán một số mẫu laptop tại thị trường Mỹ. Trong thông báo đăng trên mạng xã hội X hôm 8/4, hãng cho biết các mẫu Framework 13 chạy chip Intel Ultra 5 125H và AMD Ryzen 5 7640U sẽ "tạm thời biến mất" khỏi website Mỹ.
Lý do? Thuế nhập khẩu tăng vọt từ 10% lên 32% – do sản phẩm được lắp ráp tại Đài Loan – khiến Framework đứng trước lựa chọn khó khăn: hoặc dừng bán, hoặc tăng giá mạnh. Trong các dòng trạng thái sau đó, hãng cho biết sẽ xem xét điều chỉnh lại giá bán nếu không tìm được cách thay thế chuỗi cung ứng hiện tại.
Không chỉ dừng ở dòng Framework 13, hãng còn cân nhắc tạm ngừng bán cả mẫu Framework Laptop 12 – dòng laptop mini vừa được ra mắt gần đây.
Framework, được thành lập năm 2020 bởi Nirav Patel – cựu giám đốc phần cứng của Oculus, từng thu hút hàng chục triệu USD đầu tư trong vài năm qua nhờ định hướng phát triển laptop bền vững, dễ sửa chữa. Nhưng giờ đây, công ty non trẻ này đang phải chật vật trước một rào cản chẳng hề công nghệ: thuế quan chính trị.
Trong khi Framework chọn công khai giải thích lý do ngừng bán hàng, một “ông lớn” khác là Razer lại chọn chiến lược im lặng. Người dùng sành công nghệ nhanh chóng nhận ra các mẫu laptop gaming như Razer Blade 14, 16 và 18, cùng thiết bị cầm tay Razer Edge, đột ngột biến mất khỏi trang web chính thức tại Mỹ. Thay vào đó, chỉ còn phụ kiện và vỏ máy.
Theo trang PCWorld, đây có thể là một chiến thuật trì hoãn để ứng phó với chính sách thuế mới từ ông Trump – một nước cờ giúp Razer có thời gian tính toán lại giá và chiến lược phân phối.
Được thành lập từ năm 1998, Razer có trụ sở tại California nhưng lại sản xuất phần lớn thiết bị tại Trung Quốc – nơi đang bị Mỹ đánh mức thuế lên đến 104% sau loạt đòn trả đũa thương mại. Với con số thuế gần gấp đôi giá gốc, việc giữ nguyên giá bán hiện tại là điều gần như bất khả thi.
Không chỉ laptop: Cơn bão thuế lan rộng
Tác động của chính sách thuế quan mới không chỉ dừng lại ở các hãng phần cứng máy tính. Micron, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực sản xuất chip nhớ, cũng ra thông báo áp dụng phụ phí mới với khách hàng Mỹ từ ngày 9/4.
Trong một động thái tương tự, một nhà sản xuất module bộ nhớ NAND tại châu Á nói thẳng với Reuters: “Chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho quyết định của chính phủ Mỹ. Nếu không muốn trả thuế, xin đừng đặt hàng”.
Thậm chí, cả “đại gia” như Apple cũng phải tìm cách đối phó. Theo Times of India, chỉ trong ba ngày cuối tháng 3, có 5 chuyến bay chở đầy iPhone và thiết bị Apple từ Ấn Độ và Trung Quốc về Mỹ – một nỗ lực rõ ràng nhằm tránh thuế. Nhưng biện pháp tích trữ chỉ là tạm thời.
Giới phân tích dự đoán, nếu Apple chuyển gánh nặng thuế sang người dùng, giá iPhone tại Mỹ có thể tăng 30-40%. Mẫu iPhone 16 có thể vọt từ 799 USD lên 1.142 USD, trong khi bản cao cấp nhất – iPhone 16 Pro Max 1TB – có thể chạm mốc 2.300 USD.
Các chuyên gia nhận định, làn sóng thuế quan mới từ ông Trump đang tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu – đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Những công ty từng tự hào với thiết kế đột phá, phần cứng tối ưu, giờ đây lại phải đối mặt với bài toán thuế và hậu cần.
Nếu không thể chuyển dây chuyền sản xuất sang các khu vực trung lập hơn, nhiều hãng buộc phải chọn giữa hai con đường: dừng bán hoặc tăng giá – mà cả hai đều khiến người tiêu dùng thiệt thòi.
Với diễn biến này, có thể thấy rõ: cuộc chiến thương mại không chỉ là cuộc chiến của chính trị gia, mà đang là cuộc chiến sinh tồn của các công ty công nghệ và người tiêu dùng toàn cầu.