Trận đấu cuối cùng tại vòng loại thứ 2 WorldCup 2022 diễn ra tối qua với UAE đã cho chúng ta cơ hội đánh giá thực lực của đội tuyển Việt Nam trong cái nhìn toàn cảnh với các đội bóng mạnh nhất châu Á. Điều đáng khích lệ, các cầu thủ của chúng ta đã thể hiện một tinh thần thi đấu tuyệt vời khi bị dẫn trước tới 3 – 0 ở hiệp 1 mà vẫn gỡ lại 2 bàn ở hiệp 2, khiến ban huấn luyện của UAE cũng phải bày tỏ sự khen ngợi.
Xét về thực lực, UAE mạnh hơn Việt Nam đôi chút và ở vòng 3 được tổ chức vào tháng 9 năm nay, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ còn mạnh hơn cả UAE. Đó là bão lớn! Làm thế nào để chắn bão hiệu quả?
Cơn bão ám chỉ các đội bóng sở hữu những cầu thủ tốc độ, sức mạnh, kỹ thuật như UAE, thậm chí còn nhanh mạnh hơn. Phải chạm trán những đối thủ như vậy, Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam thường tổ chức lối chơi phòng ngự ở hiệp 1 và tấn công, biến hóa, chủ động phản công trong hiệp 2.
Tôi hoàn toàn đồng ý với chiến thuật này của HLV Park Hang Seo. Bởi đây là cách thi đấu sở trường và đã mang lại hiệu quả cho đội tuyển Việt Nam. Cách chơi này cũng được các đội bóng tham gia Euro 2020 thực hiện, khi có nhiều trận, bàn thắng chỉ đến ở hiệp 2.
Xét việc, Việt Nam để thua tới 3-0 trong hiệp 1 ở trận đấu tối qua, cho thấy đội tuyển chúng ta dùng người chưa chính xác. Cái mà Việt Nam còn thiếu đó là những cầu thủ tiền vệ phòng ngự có lối chơi sức mạnh, không ngại va chạm, trong khi dư thừa các cầu thủ tiền vệ ‘kiến tạo” chơi kỹ thuật như: Quang Hải, Xuân Trường, Hoàng Đức. Có thể thấy rõ, trong hiệp 1, những cầu thủ ‘kiến tạo’ này đã phòng ngự một cách ‘ẻo lả’, không chắc chắn và đó là nguyên nhân dẫn đến các bàn thua ở một thế trận bị dồn ép.
Những bàn thua trong hiệp 1 còn do sự mất tập trung của hàng hậu vệ, sau 1 phút nghỉ ngắn. Tôi không nhìn thấy Đoàn Văn Hậu bên phía cánh trái, vị trí mà nhẽ ra anh ta phải luôn có mặt. Văn Hậu là cầu thủ xuất sắc của đội tuyển Việt Nam. Nếu hậu vệ này chuyên tâm bắt chặt hành lang bên cánh trái, không dâng cao, thì khó có cầu thủ nào ở châu Á có thể qua mặt được anh ta. Thế trận phòng ngự khi ấy sẽ tạo nên nhiều sự vững chắc và an tâm cho các cầu thủ tuyến trên triển khai bóng. Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam cần quán triệt điều này rõ hơn nữa.
Sang hiệp 2, Đức Huy, Minh Vương vào sân, những thay đổi tốt lành đã xảy ra. Hai tiền vệ có lối chơi quyết liệt, đầy sức mạnh, thực dụng này giúp cho Việt Nam có 2 bàn gỡ thuyết phục mà thủ môn của UAE không thể cản phá.
Về tuyến tiền vệ, muốn chắn được bão phải trồng phi lao, không thể trồng hoa hồng. Muốn thắng được đối thủ mạnh phải dùng mưu. Chiến thuật phòng ngự, du ngủ đối thủ ở hiệp 1 và sẵn sàng bùng nổ ở hiệp 2 của Đội tuyển Việt Nam là rất hợp lý. Nhưng để hiệp 2 bùng bổ thì nhiệm vụ chính ở hiệp 1 là gì? Đó là phòng ngự không để thủng lưới và tiêu hao thể lực đội bạn. Nếu thể lực đội bạn bị tiêu hao rồi thì sang hiệp 2, với sự thay người tài tình của Ban huấn luyện, chúng ta sẽ dễ dàng ghi bàn bởi sự khéo léo, nhanh nhẹn của tiền đạo và tuyến tiền vệ đầy kiến tạo đầy tài năng.
Để tiêu hao thể lực đội bạn cách hay nhất là sử dụng Văn Toàn và Văn Thanh trong hiệp 1.
Văn Thanh là cầu thủ trẻ, đầy sức mạnh và khả năng tranh chấp quyết liệt. Trong trận gặp Indonesia, Văn Thanh và Văn Toàn ra sân ngay trong hiệp 1 và đã gây rất nhiều sóng gió, tiêu hao được rất nhiều thể lực của nhiều cầu thủ Indonesia. Đến hiệp 2, các cầu thủ đội bạn đã thi đấu chậm lại, không thể theo kịp lối đá của đội tuyển Việt Nam và để thua đến 4 bàn. Cách phá thể lực rất hay tại sao lại không làm?
Hàng tiền đạo Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với trước đây, sử dụng sao cho hợp lý.
Số 1 là Tiến Linh, thực sự xuất sắc, có thể dứt điểm tốt bóng sệt và bóng bổng. Sở trường là thi đấu trong vòng cấm, phạm vi hẹp giống mẫu tiền đạo Robert Lewandowski của đội tuyển Ba Lan. Hạn chế là, nếu để cầu thủ này phải nhận bóng khi ở xa khung thành đối thủ, phải cầm bóng đột phá giống hiệp 1 gặp UAE thì sẽ không hiệu quả. Xem lại thấy lúc đó, vai trò của Tiến Linh là khá mờ nhạt khi không có bóng, không cầm bóng đột phá, không làm tiêu hao thể lực đội bạn.
Trường hợp tiền đạo phải nhận bóng từ xa khung thành đối thủ, chúng ta có 2 lựa chọn rất phù hợp là Công Phượng và Văn Toàn.
Công Phượng có khả năng cầm bóng tự tin đột phá dù ở xa khung thành. Thời gian gần đây, cầu thủ này đã có nhiều tiến bộ trong cách chạy chỗ không bóng hợp lý hơn (1 bàn thắng vào lưới Indonesia), đang dẫn bóng tốc độ mà vẫn biết dừng lại quan sát để chuyền cho đồng đội – khác với trước đây, chỉ chú tâm đi bóng dứt điểm cá nhân, khá bế tắc.
Tiền đạo Văn Toàn sở hữu tốc độ nhanh nhất đội tuyển Việt Nam, lối thi đấu nhiệt tình, năng nổ, lên công về thủ, toàn vẹn. Ở thế trận phòng ngự hiệp 1 với UAE tối qua, nếu Văn Toàn chơi ngay từ đầu thì hàng thủ của Việt Nam sẽ được hỗ trợ rất nhiều và các cầu thủ đội bạn sẽ tốn nhiều thể lực của nhiều người để ‘vây bắt’ 1 Văn Toàn.
Năm nay, Văn Toàn có nhiều tiến bộ, nhưng khác với Công Phượng là khi dẫn bóng, Văn Toàn đã biết chủ động đột phá, tự tin tung ra cú dứt điểm để ghi bàn, chứ không chỉ biết đột phá xong rồi lại chuyền cho cầu thủ khác. Văn Toàn thực sự hợp lý khi được bố trí trong đội hình phòng ngự thấp của Việt Nam. Việc dẫn bóng tốc độ cao từ xa khung thành, thu hút nhiều hậu vệ, tiêu hao thể lực đội bạn, không ai giỏi hơn cầu thủ này.
Cùng Việt Nam lọt vào vòng 3 WorldCup 2022, UAE cho thấy họ mạnh hơn Việt Nam chút xíu và xứng đáng là 1 trong 12 đội bóng mạnh nhất châu Á. Nhưng UAE không phải là Pháp, Hà Lan hay Bồ Đào Nha mà khó bị Việt Nam đánh bại. Họ không quá giỏi và cũng cho thấy những điểm yếu. Theo tôi, thủ môn UAE không quá xuất sắc, thậm chí có phần chậm chạp. Hàng thủ cũng không mạnh và thế trận tạo ra cũng không quá áp đảo đội tuyển Việt Nam dù sở hữu tới 3 cầu thủ nhập tịch và thi đấu trên sân nhà. Họ có ưu điểm là tận dụng tốt cơ hội và dứt điểm tốt cùng với sự thiên vị của trọng tài.
Nói về ông trọng tài ngày hôm qua người Iran, trong bóng đá thế giới không hề hiếm và có lẽ tỷ lệ những người trọng tài công tâm và thiên vị là ngang nhau.
Đặc biệt ở thể thao và bóng đá “vùng trũng”, những trọng tài thiên vị đội chủ nhà, đội mạnh, lại càng nhiều hơn thậm chí trắng trợn hơn. Ông Ali Sabah Adday AI-Qaysi, là một ví dụ điển hình.
Ngay sau đó, các fan hâm hộ bóng đá Việt Nam tấn công các facebook của ông này cũng là chuyện bình thường, dễ hiểu. Chuyện đã như vậy, Ban huấn luyện và các cầu thủ Việt Nam cũng nên chuẩn bị tâm lý kỹ càng và không lạ lẫm với điểu này, khi càng vào vòng trong, các đội càng mạnh hơn, trọng tài cũng thiên vị nhiều hơn. Cuộc chơi là vậy!
Những giải pháp kiến nghị cho đội tuyển Việt Nam ở trên không thể giúp cho chúng ta thắng mọi đội bóng mạnh của châu Á hay thế giới. Nhưng tôi hy vọng sẽ giúp cho đội tuyển Việt Nam thi đấu đúng với khả năng của chính mình, thậm chí xuất sắc hơn cả năng lực bản thân. Bởi vòng đấu tiếp theo, nếu mỗi cầu thủ thực sự ‘bùng nổ năng lực’ ngoài khả năng thông thường, mới giúp đội tuyển Việt Nam đạt được kỳ tích chưa từng có là tham dự vào Vòng Chung kết WorldCup 2022.