Rất có thể vụ việc khiến Facebook sắp chịu một án phạt lên đến hàng tỉ USD - được xem là án phạt lớn nhất mà FTC từng áp dụng cho một công ty công nghệ. Nhưng theo Washington Post thì số tiền cụ thể vẫn chưa được xác định.
Cuộc đàm phán tập trung vào việc mạng xã hội này chia sẻ trái phép dữ liệu của 87 triệu người dùng với Cambridge Analytica - công ty tư vấn chính trị của Anh đã phá sản năm ngoái.
Khoản tiền phạt lớn nhất FTC đã áp dụng cho một công ty công nghệ là 22,5 triệu USD, dành cho Google năm 2012, cũng liên quan đến quyền riêng tư của người dùng. Trong khi đó, mức phạt cao nhất thuộc về công ty dược phẩm Teva Pharmaceutical Industries năm 2015, lên tới 1,2 tỷ USD do vi phạm luật chống độc quyền.
Năm ngoái, Facebook cũng bị Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh (ICO) phạt 500.000 bảng Anh (khoảng 645.000 USD) vì thu thập và để lộ thông tin thành viên.
Bê bối Cambridge Analytica bắt đầu từ 2015 khi công ty này mua dữ liệu từ Aleksandr Kogan, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge. Sự việc được Guardian thông báo cho Facebook và mạng xã hội này cấm Kogan khỏi nền tảng của mình, đồng thời yêu cầu Kogan cũng như Cambridge Analytica chính thức xác nhận rằng họ đã xóa dữ liệu.
Tuy nhiên đầu tháng 3/2018, Facebook mới biết Cambridge Analytica không hề xóa dữ liệu như tuyên bố. Thông tin của 87 triệu thành viên Facebook được cho là đã sử dụng vào mục đích chính trị, liên quan đến chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump. Scandal cũng khiến CEO Facebook phải điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Với cáo buộc tương tự, Facebook đã phải thay đổi một phần mô hình hoạt động. Cụ thể, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã đặt ra những yêu cầu sau đối với Facebook:
- Nghiêm cấm hành động vi phạm quyền riêng tư và bảo mật thông tin của người dùng.
- Ngăn chặn quyền truy cập vào dữ liệu người dùng đã xóa tài khoản trong ít nhất 30 ngày.
- Công ty phải có được sự đồng thuận rõ ràng trước khi ban hành thay đổi ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng.
- Facebook cần thiết lập và duy trì một chương trình bảo mật toàn diện, được xây dựng riêng để giải quyết các nguy cơ rò rỉ dữ liệu trong quá trình phát triển sản phẩm/dịch vụ mới và hiện có. Đồng thời, công ty cần bảo vệ quyền riêng tư vào bảo mật thông tin của người tiêu dùng.
- Định kỳ sau mỗi 2 năm trong 20 năm tới, Facebook phải được bên thứ 3 xác nhận rằng công ty có chương trình bảo mật đáp ứng yêu cầu bảo mật quyền riêng tư và an toàn thông tin người dùng mà FTC đề ra. Cuộc kiểm tra độc lập phải diễn ra trong vòng 180 ngày.
Bên cạnh đó, Facebook có thể phải nộp số tiền cao gấp nhiều lần mức phạt mà Google từng phải chịu. Mặc dù chỉ tính riêng trong quý 4/2018, mạng xã hội đã thu về doanh thu 16,9 tỷ USD và lợi nhuận là 6,9 tỷ USD, nhưng bản án của FTC đã bị Facebook phản đối dữ dội.
“Chúng tôi đang hợp tác với các quan chức ở Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác”, phát ngôn viên Facebook phản hồi trên trang TechCrunch. “Chúng tôi đã điều trần công khai, cung cấp câu trả lời và cam kết tiếp tục hỗ trợ công việc của FTC”.
FTC đã mở cuộc điều tra điều tra Facebook từ tháng 3 năm ngoái sau khi vi phạm Cambridge Analytica và các sự cố tiếp theo của mạng xã hội này bị phanh phui. Nếu cả Facebook và FTC không đi đến một thỏa thuận nào đó về khoản tiền phạt, cơ quan này có thể đưa Facebook ra tòa vì những sơ suất trong quá khứ liên quan đến quyền riêng tư của người dùng.
Tháng trước, Washington Post tiết lộ FTC có thể ra mức tiền phạt cao hơn 22 triệu USD từng áp dụng cho Google. Tuy nhiên, những người ủng hộ quyền riêng tư cho rằng con số này chưa đủ sức răn đe và yêu cầu FTC tăng mức phạt lên ít nhất 2 tỷ USD.
Hiện chưa rõ liệu FTC có yêu cầu Facebook thoái vốn khỏi việc mua lại Instagram và WhatsApp như một phần của thỏa thuận này hay không. Có khả năng, Facebook sẽ từ chối làm như vậy và kết quả là hai cơ quan sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến dài hạn tại tòa án.