Theo cảnh báo từ Ngân hàng Vietcombank, đối tượng gian lận thường chủ động liên hệ với khách hàng qua điện thoại, mạng xã hội hoặc email với các nội dung giả mạo cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra; giả mạo thông báo trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn; giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ; giả mạo cán bộ của ngân hàng để yêu cầu cung cấp mật khẩu hoặc mã PIN để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc thẻ.
Đặc biệt, Vietcombank cũng cho biết đã ghi nhận một số kịch bản lừa đảo mới như: giả mạo người đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa trực tuyến cho người thân, yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền (moneygram, western union...). Đối tượng lừa đảo sau đó gửi khách hàng tin nhắn có đường link truy cập và webiste giả mạo. Trường hợp khách hàng truy cập vào thì bị yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử. Nếu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật đó thì đối tượng sẽ lợi dụng để thực hiện giao dịch gian lận.
Riêng đối với khách hàng đang sử dụng ví điện tử (Zalo, MoMo, Payoo...), những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ với khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Sau đó, đối tượng sẽ lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là một bước yêu cầu để khắc phục lỗi dịch vụ.
Với người dùng có nhu cầu vay tín dụng trực tuyến, đối tượng giả mạo là người cho vay trực tuyến để lừa những người có nhu cầu vay vốn. Theo đó, đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp hồ sơ và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử. Sau đó, đối tượng lợi dụng các thông tin này để thực hiện giao dịch gian lận.
Đáng chú ý, một kịch bản lừa đảo mới là giả mạo cán bộ ngân hàng Vietcombank gọi điện thoại cho khách hàng và yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu đăng nhập tài khoản trực tuyến hoặc các ứng dụng của Vietcombank (VCB-Mobile B@nking, VCBPAY, Smart OTP…) để hỗ trợ nâng cấp phần mềm, ứng dụng hoặc xác định danh tính khách hàng. Sau đó, đối tượng đối tượng sẽ lợi dụng thông tin này để thực hiện giao dịch gian lận.
Để tự bảo vệ mình, người dùng cần lưu ý giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ Ngân hàng điện tử gồm mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất cứ ai và bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp…); xác thực người đề nghị bạn thực hiện giao dịch tài chính: đối tượng gian lận có thể giả mạo danh tính của người khách hàng quen biết thông qua mạng xã hội cũng như các kênh liên lạc khác như email, điện thoại, thư giấy, SMS… để lừa đảo, gợi ý quý khách cho vay/chuyển tiền tới tài khoản của tin tặc.
Đồng thời, kiểm tra thông tin được sử dụng để thực hiện giao dịch, chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật (đối tượng gian lận có thể chuyển hướng khách hàng đến các website lừa đảo); Cập nhật các phần mềm bảo mật và ứng dụng Vietcombank mới nhất; Đăng xuất khỏi tài khoản ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.
Vietcombank khẳng định không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân trừ khi khách hàng chủ động gọi điện đến hotline để được trợ giúp và ngân hàng yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin để định danh khách hàng.
Ngân hàng cũng khẳng định không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ như: Mật khẩu truy cập, Mã giao dịch OTP của bất kỳ dịch vụ ngân hàng điện tử nào, Mã kích hoạt ứng dụng Vietcombank Smart OTP dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển tiền, nạp tiền vào số điện thoại/số tài khoản nào để nhận thưởng, nhận tiền hoàn trả...
Các ngân hàng khác cũng lên tiếng.
Không chỉ Vietcombank, nhiều ngân hàng cũng liên tục cảnh báo khách hàng về những rủi ro trong giao dịch thanh toán trực tuyến. Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã phát cảnh báo đến khách hàng thủ đoạn kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt thông tin khách hàng.
Trong đó, đối tượng lừa đảo giả mạo nội dung thư điện tử, giả danh cán bộ nhân viên của ngân hàng để gửi thông báo nợ tới khách hàng. Trong email này có đính kèm file có tên “Phiếu báo nợ”, nhưng thực tế là một đường dẫn đến ứng dụng Dropbox, sau đó file chứa mã độc sẽ được tải về máy tính của người dùng.
Khi khách hàng mở file trên sẽ bị lây nhiễm mã độc Keyloger (loại mã độc có khả năng ghi lại các thao tác bàn phím, chụp ảnh màn hình, camera của khách hàng). Từ đây kẻ gian có thể đánh cắp các thông tin bảo mật cá nhân của khách hàng, đặc biệt là những thông tin về tài khoản, thẻ tín dụng, tên truy cập/mật khẩu của hệ thống Internet Banking, của Gmail hay Facebook.
Maritime Bank cũng cảnh báo thủ đoạn giả mạo thông báo tài khoản E-Banking của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua đường link độc hại...