Google đã trả số tiền kỷ lục lên tới 391 triệu USD (hơn 9.687 tỉ đồng) để dàn xếp vụ kiện tập thể liên quan đến quyền riêng tư ở Mỹ.
Theo BBC, 40 bang ở Mỹ đã buộc tội Google khiến người dùng lầm tưởng rằng tính năng định vị trên thiết bị của họ đã được tắt nhưng thực chất lại bị hãng công nghệ khổng lồ này thu thập dữ liệu vị trí cá nhân.
Tổng chưởng lý bang Connecticut William Tong gọi thỏa thuận này là chiến thắng lịch sử cho người tiêu dùng và là thỏa thuận đa bang liên quan đến quyền riêng tư lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
"Thỏa thuận trị giá 391,5 triệu USD này là chiến thắng lịch sử cho người tiêu dùng trong thời đại ngày càng phụ thuộc vào công nghệ", Tổng chưởng lý bang Connecticut William Tong nói. "Dữ liệu vị trí là một trong những thông tin cá nhân nhạy cảm và có giá trị nhất mà Google thu thập và có rất nhiều lý do khiến người tiêu dùng có thể từ chối bị theo dõi".
Ông William Tong còn kêu gọi người dùng điện thoại kiểm tra lại các cài đặt trực tuyến và tắt đi nếu không muốn bị theo dõi.
"Không quá lời khi nói rằng chúng ta đang sống trong một nền kinh tế giám sát. Hãy hiểu rằng bạn đang bị theo dõi từng phút mỗi ngày dù ở bất kỳ đâu", ông Tong nói thêm.
Thỏa thuận dàn xếp ngày 14/11 còn bao gồm cam kết ràng buộc Google cải thiện tính minh bạch về hoạt động theo dõi để nhắm mục tiêu quảng cáo cho khách hàng.
Theo đó, vụ kiện ở Mỹ bắt đầu sau một bài báo vào năm 2018 từ hãng thông tấn AP báo cáo rằng Google đã theo dõi người dùng ngay cả khi họ đã chọn không chấp nhận việc này. Cụ thể, người dùng tiếp tục bị Google theo dõi tục thông qua cài đặt Hoạt động web và ứng dụng (Web & App Activity) riêng biệt dù họ đã tắt tùy chọn quản lý Lịch sử vị trí (Location History) trên điện thoại của mình.
Các tiểu bang liên quan đến vụ án bao gồm Arkansas, Florida, Illinois, Louisiana, North Carolina, Pennsylvania và Tennessee.
Trong một tuyên bố, Google nói rằng các cáo buộc dựa trên các tính năng của sản phẩm đã không còn được cập nhật từ nhiều năm trước.
Vụ kiện chung hiếm hoi của 40 tiểu bang bắt nguồn từ sự thiếu kiên nhẫn của giới chức tiểu bang trước việc chính quyền liên bang không thể siết chặt kiếm soát các công ty công nghệ lớn do bế tắc về mặt lập pháp.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn không thống nhất được sẽ triển khai các quy tắc quốc gia về quyền riêng tư trực tuyến thế nào, với việc các công ty công nghệ vận động hành lang dữ dội để hạn chế tác động tiềm ẩn của chúng.
Điều này hoàn toàn trái ngược với châu Âu, nơi những đại gia công nghệ Mỹ phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư kể từ năm 2018. Google, Amazon và những công ty khác đều chịu án phạt nặng sau khi bị phát hiện vi phạm. Riêng với Google, Liên minh châu Âu (EU) còn đưa ra các án phạt chống độc quyền với tổng giá trị 8,25 tỷ euro (8,5 tỷ USD) kể từ năm 2017 tới nay.
Tháng 9 vừa qua, tại Hàn Quốc, Google và Meta đã bị phạt tổng cộng 71 triệu USD vì thu thập thông tin cá nhân của người dùng mà không có sự đồng ý để phục vụ hoạt động đăng quảng cáo nhắm mục tiêu.