Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra ngày 31/8, trong tám tháng đầu năm nay, lượng hành khách nội địa đã có sự phục hồi và bứt phá ngoạn mục sau dịch COVID-19.
Với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2019 đạt trên 15% mỗi năm, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong hai năm 2020-2021, đại dịch COVID-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không trên toàn thế giới, gây hậu quả tiêu cực đến các đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không, nhất là các hãng hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề. Do thị trường quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không trong nước gần như dừng hoàn toàn khai thác quốc tế, trong khi thị trường nội địa cũng suy giảm nghiêm trọng.
2 năm vừa qua, thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm mạnh với mức giảm lần lượt là 42,1% và 80% so năm 2019.
Song từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình khai thác của hàng không Việt Nam đã hồi phục và bắt đầu tăng trưởng (sản lượng hành khách nội địa).
Theo đó, sản lượng hành khách tám tháng của năm 2022 ước đạt hơn 66 triệu hành khách, trong đó hành khách nội địa ước đạt gần 61 triệu hành khách (tăng 19,9% so với năm 2019); hành khách quốc tế mặc dù chỉ đạt hơn 5 triệu hành khách (giảm 81,5% so với năm 2019) nhưng đã có sự gia tăng qua các tháng.
Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm Hè 2022 sản lượng tăng rõ rệt so với năm 2019 như tháng Sáu tăng 40%, tháng Bảy tăng 42%, tháng Tám tăng 40%. Nhiều cảng hàng không đã khai thác vượt công suất công bố tại các nhà ga hành khách nội địa gồm Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh…
Về sản lượng hàng hoa, tám tháng của năm 2022 qua các cảng giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có sự thay đổi nhẹ trong tỷ trọng sản lượng hàng hóa quốc tế/quốc nội năm 2022 là 79/21, trong khi năm 2019 là 66/34.
Báo cáo của ACV cũng đưa ra tỷ lệ chậm chuyến bay trong bảy tháng đầu năm 2022 là 22,41% (gồm 39.894 chuyến chậm/178.010 chuyến cất cánh). Qua số liệu thống kê của ACV cho thấy, nguyên nhân chậm chuyến chủ yếu là khai thác của hãng (chiếm 92,79%); thời tiết chiếm 1,61%; trang thiết bị dịch vụ của cảng chiếm 0,09%; điều hành bay chiếm 0,27%; các nguyên nhân khác chiếm 5,25%.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ACV yêu cầu các cảng hàng không phối hợp điều hành, đảm bảo an toàn hoạt động bay và chất lượng dịch vụ trong điều kiện sản lượng vận chuyển tăng trưởng nóng; tăng cường công tác theo dõi, kiểm soát Slot (lượt cất, hạ cánh) tuân thủ đúng quy định, đồng bộ, thống nhất nhằm hạn chế áp lực hạ tầng cảng hàng không do dồn chuyến vào các khung giờ cao điểm đồng thời đảo bảm chủ động công tác phòng chống dịch COVID-19.
Một trong những vấn đề được ACV đặt ra là việc đầu tư nâng cấp công nghệ thông tin tại các cảng hàng không thời gian tới như ứng dụng chuyển đổi số tại các cảng hàng không trực thuộc như hệ thống Kiosk check-in dùng chung, Bagdrop dùng chung, eGate (Self Boarding Gate), nghiên cứu và ứng dụng Biometric (IATA One Id), AI &Big Data, Biometric Technology with Security… nhằm hướng tới sân bay thông minh.
Công tác chuyển đổi số cũng cần tiếp tục triển khai tích cực với trọng tâm xây dựng hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực số và số hóa dữ liệu với các dự án trọng điểm như hạ tầng Private Cloud để phát triển các phần mềm như: ACV Portal, ACDM Portal, ACV DCS, HRM, TCKT, BlackList; công cụ làm việc từ xa để thích ứng với tình hình mới trên nền tảng Microsoft Office 365; số hóa các lĩnh vực phục vụ quản trị, điều hành và quản lý khai thác cảng hàng không nhằm hướng tới sân bay thông minh; chuyển đổi và hệ thống hóa dữ liệu từ dạng văn bản, giấy tờ sang định dạng hệ thống dữ liệu lưu trữ điện tử; xây dựng quy trình kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin và an toàn thông tin.