Nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới đang thực hiện nhiều công đoạn để chuyển từ Android sang Harmony, bước đi quan trọng giúp tập đoàn này trụ vững trên thị trường điện thoại trong hoàn cảnh bị Mỹ cấm sử dụng dịch vụ của Google.
Theo đó, bắt đầu từ năm 2021, Huawei sẽ bắt đầu cho xuất xưởng các điện thoại sử dụng hệ điều hành Harmony OS và giảm dần sản lượng điện thoại Android về con số 0 ngay trong năm tới. Lý do được đưa ra là vì các lệnh trừng phạt hết sức gay gắt của Chính phủ Mỹ đã khiến Huawei gần như bị cô lập hoàn toàn với tất cả các đối tác cung ứng của mình, trong đó bao gồm cả Google – khi mà gần một năm nay, Huawei đã không còn được cấp phép truy cập bộ dịch vụ của gã khổng lồ phần mềm Mỹ. Không chỉ vậy, hàng loạt các công ty cung ứng linh kiện thiết yếu như chip nhớ, màn hình, vi xử lý lớn trên thế giới cũng quay lưng với Huawei. Chính vì vậy mà Huawei đã mất đi hoàn toàn cơ hội cạnh tranh sòng phẳng về phần cứng với các đối thủ lớn nhất.
Để sẵn sàng cho HarmonyOS, Huawei cũng đã đẩy mạnh Huawei Mobile Services (HMS) - hệ sinh thái ứng dụng mới của công ty Trung Quốc nhằm thay thế cho Google Mobile Services (GMS) của Google. Ông Tan cho biết, tính đến cuối tháng 3, công ty đã thu hút 1,4 triệu nhà phát triển, tăng 115% so với quý I/2019.
“Phiên bản mới nhất của HarmonyOS đã đến tay các nhà phát triển toàn cầu”, Richard Yu cho biết. Ông nói thêm rằng Huawei đang đẩy nhanh việc xây dựng hệ sinh thái ứng dụng xung quanh hệ điều hành này.
HarmonyOS 1.0 được Huawei giới thiệu năm ngoái. Tuy nhiên, nền tảng này chủ yếu trang bị cho một số TV của hãng. Năm nay, nhiều khả năng phiên bản mới sẽ có tên gọi HarmonyOS 2.0. Theo ông Yu, smartphone chạy HarmonyOS đã sẵn sàng từ lâu, nhưng chưa thể ra mắt ngay trong năm nay do có một số thỏa thuận với Google. Ông khẳng định thiết bị chạy nền tảng mới sẽ có mặt trong 2021.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh HarmonyOS sẽ không bị giới hạn ở TV hay smartphone, mà sẽ được "phổ cập" cho tất cả thiết bị của hãng, gồm smartwatch, PC, máy tính bảng, ôtô và nhiều sản phẩm trong hệ sinh thái IoT của mình. "HarmonyOS sẽ trở thành hệ điều hành phổ biến trên toàn thế giới trong tương lai", Yu nói.
HarmonyOS 2.0 Beta dành cho TV thông minh, đồng hồ và thiết bị đầu cuối đã được gửi đến các nhà phát triển, kèm SDK (bộ phát triển phần mềm), tài liệu, công cụ và trình mô phỏng.
Đối với các điện thoại đầu tiên sử dụng hệ điều hành Harmony OS. Nhiều khả năng điện thoại mới sẽ tham gia vào phân khúc tầm trung nhằm thăm dò thị trường, giúp không tạo cho Huawei áp lực đầu tư quá lớn về mặt công nghệ để cạnh tranh với các đối thủ. Giới trong ngành cũng dự đoán, điện thoại chạy Harmony OS sẽ chỉ được phát hành nội bộ ở thị trường Trung Quốc do những lo ngại trừng phạt của Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng vào Huawei trong tương lai.
Theo một số nguồn tin, nội bộ Huawei đang tích cực triển khai HMS, coi xây dựng hệ sinh thái cho nền tảng này là ưu tiên hàng đầu. Thống kê gần đây cho thấy, lượng người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu của Huawei đã đạt 700 triệu người, nhưng chủ yếu tại Trung Quốc.
HarmonyOS được Huawei công bố ngày 9/8/2019, được xem là "kế hoạch B" nhằm thay thế Android của Google. Nền tảng này đã được phát triển từ năm 2012 nhưng mới chỉ được đề cập trở lại sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách thực thể, cấm các doanh nghiệp Mỹ hợp tác kinh doanh với Huawei trừ khi được chính phủ Mỹ cấp phép.