Ngày 21/2, Indonesia vừa ban hành quy định mới liên quan đến lĩnh vực báo chí, xuất bản. Theo đó, các nền tảng truyền thông xã hội như Google, Facebook được yêu cầu hỗ trợ báo chí bằng cách tham gia thỏa thuận cấp phép, chia sẻ doanh thu cũng như dữ liệu hoặc các giao dịch khác với các hãng tin địa phương.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: "Chúng tôi muốn cung cấp một khuôn khổ chung rõ ràng cho sự hợp tác giữa hãng tin với các ứng dụng truyền thông xã hội. Chúng tôi phải lường trước những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt trong giai đoạn triển khai, về phản ứng từ các nền tảng truyền thông xã hội và cộng đồng sử dụng các dịch vụ này".
Theo Tổng thống Joko Widodo, tinh thần của quy định là nhằm đảm bảo hợp tác công bằng giữa các nền tảng truyền thông và ứng dụng mạng xã hội.
Đồng thời, ông nói thêm, một ủy ban sẽ được thành lập để đảm bảo các ứng dụng truyền thông xã hội hoàn thành trách nhiệm của họ với các hãng tin tức, công ty truyền thông của Indonesia.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi cho biết, quy định trên là một phần trong nỗ lực của chính phủ nước này nhằm đảm bảo các công ty truyền thông không bị lu mờ bởi mạng xã hội, ứng dụng kỹ thuật số.
Quy định trên có hiệu lực 6 tháng kể từ thời điểm phát hành.
Người phát ngôn Google cho biết sẽ xem xét quy định mới, đồng thời khẳng định đã làm việc với các nhà xuất bản tin tức và chính phủ để xây dựng hệ sinh thái tin tức bền vững tại Indonesia. Facebook chưa phản hồi bình luận của Reuters.
Dù quy định đại diện cho bước ngoặt lớn đối với bức tranh truyền thông Indonesia, việc thực hiện và phản ứng từ các hãng công nghệ lớn vẫn còn phải xem xét. Các nhà phê bình cho rằng thành công của nó phụ thuộc phần lớn vào thiện chí của các bên tham gia vào đàm phán. Ngoài ra, còn có câu hỏi về tác động của quy định đối với người dùng cuối như bị hạn chế truy cập tin tức hay chi phí sử dụng dịch vụ kỹ thuật số cao hơn.
Tuy nhiên, những người ủng hộ lại tin tưởng quy định báo trước kỷ nguyên mới của tiêu thụ tin tức kỹ thuật số, nơi báo chí chất lượng được tài trợ bền vững và các nhà xuất bản được trao quyền để điều tra chuyên sâu hơn. Dù thế nào đi nữa, bước tiến táo bạo của Indonesia diễn ra vào thời điểm quan trọng trong các cuộc thảo luận về tương lai của báo chí trong thời đại số, nhấn mạnh cần thiết có sự phân phối doanh thu công bằng hơn. Điều này không chỉ bảo đảm nguồn thu cho các nhà xuất bản mà còn bảo vệ sự đa dạng và toàn vẹn của tin tức trong kỷ nguyên kỹ thuật số.