Theo một quyết định mới được ban hành, tất cả binh lính thuộc Quân đội Hoa Kỳ sẽ không được phép sử dụng TikTok trên thiết bị được Chính phủ cấp. Động thái này được đưa ra sau hàng loạt những mối lo ngại, vì ứng dụng thuộc công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh có thể đe dọa tới an ninh quốc gia.
Bộ Quốc phòng và Hải quân Hoa Kỳ đều đã có cảnh báo đối với ứng dụng TikTok hồi đầu tháng 12 vừa qua khi yêu cầu toàn bộ nhân viên gỡ bỏ ứng dụng TikTok và cảnh giác với tất cả ứng dụng được tải về smartphone.
"TikTok được xem là mối đe dọa an ninh mạng. Chúng tôi không cho phép nó có mặt trên điện thoại của chính phủ", trung tá Robin Ochoa, người phát ngôn của Quân đội nói với Military.com.
Công ty sở hữu TikTok - ByteDance - là một trong những startup tăng trưởng nhanh nhất tại Trung Quốc. Theo thống kê vào tháng 7/2019, các sản phẩm của ByteDance có 1,5 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng trên toàn cầu và 700 triệu người dùng mỗi ngày.
Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu của ByteDance đạt 7 tỷ USD, giá trị công ty tính đến cuối năm 2018 là 78 tỷ USD. Tuy vậy, các nhà lập pháp Mỹ luôn xem ByteDance là mối đe dọa an ninh quốc gia bên cạnh Huawei.
Theo Softpedia, những lo ngại về bảo mật nhắm vào TikTok nghiêm trọng đến mức từng có tin đồn ByteDance muốn bán TikTok cho công ty khác, tuy nhiên đại diện ByteDance xác nhận chưa từng đàm phán bán TikTok, và không hề có ý định đó.
Theo Engadget, chưa có bằng chứng rõ ràng về những nguy cơ từ Tik Tok. Tuy nhiên theo trang công nghệ này, về mặt lý thuyết, ByteDance (công ty mẹ của Tik Tok) có thể bị buộc chuyển các thông tin nhạy cảm của binh sỹ cho chính phủ Trung Quốc.
ByteDance đã nhiều lần khẳng định rằng các chính sách và hoạt động của công ty không liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Thậm chí để giúp giới chức Mỹ an tâm, theo Bloomberg, ByteDance đang cân nhắc bán phần lớn cổ phần Tik Tok cho các nhà đầu tư, qua đó không còn nắm quyền kiểm mạng xã hội này nữa.
Trong một phương án khác, ByteDance được cho là cũng đang cân nhắc tách TikTok ra thành một bộ phận riêng và sẽ xây dựng trụ sở chính cho mạng xã hội này tại một quốc khác, thay vì đặt tại Trung Quốc. Hãng đang cân nhắc việc đặt trụ sở mới ở các quốc gia bao gồm Singapore, Anh hay Ireland.
Nhiều nhà phân tích thị trường nhận định rằng động thái của TikTok giống như muốn từ bỏ nguồn gốc Trung Quốc của mình để lấy được niềm tin của người dùng và đặc biệt của chính phủ Mỹ.