Báo cáo mới từ Viện chuyển đổi kỹ thuật số của Capgemini, các nhà máy thông minh có thể đóng góp tới 500 tỷ đô la giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới. Công nghệ thông minh mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các nhà sản xuất, chẳng hạn như tăng sản lượng, chất lượng và tăng tính đồng bộ. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ này không hề dễ dàng.
Ông Suttisak Wilanan, Phó Giám đốc điều hành công ty Reed Tradex cho biết: “76% các nhà sản xuất đang tiến hành xây dựng hoặc bắt đầu đầu tư chuyển đổi thành nhà máy thông minh, chỉ 14% trong số đó hài lòng với kết quả đạt được. Nhà máy thông minh là một sự thay đổi lớn, các nhà sản xuất khó tránh khỏi sự choáng ngợp trong giai đoạn đầu, đặc biệt là đối với quốc gia đang trên đà phát triển sản xuất như Việt Nam. Hành trình này cần được lập trình kĩ lưỡng theo tứng bước, tránh việc thay đổi đột ngột”.
“Vietnam Manufacturing Expo 2018” (VME 2018) với sự tham gia của hơn 200 thương hiệu và chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp, 4 gian hàng quốc tế từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Đài Loan sẽ tập trung cung cấp các công nghệ, giải pháp cũng như kinh nghiệm thực tế về nhà máy thông minh để hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam vượt qua những thách thức trong giai đoạn đầu chuyển đổi sang ngành công nghiệp 4.0. Nhà máy thông minh và Công nghiệp 4.0 mở ra một kỷ nguyên mới với một loạt các công nghệ sản xuất kết hợp giữa các yếu tố vật lý và kỹ thuật số, với những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), robot, Internet of Things (IoT), đo lường và in 3D.
Tại “Vietnam Manufacturing Expo 2018”, Universal Robots là một trong số những doanh nghiệp dẫn đầu, thành công trong việc tạo ra Robot cộng tác (Cobot) thương mại đầu tiên trên thế giới. Năm nay, Universal Robots tham gia triển lãm với mục tiêu giới thiệu robot hoạt động như một công cụ hỗ trợ thông minh cho các công nhân tại nhà máy.
Bà Shermine Gotfredsen, Tổng Giám đốc của Universal Robots tại Đông Nam Á và Châu Đại Dương chia sẻ về vai trò của Cobot trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0: “Robot hợp tác được thiết kế để cộng tác với con người. Ngoài khả năng sẵn có trong việc tương thích với ngành công nghiệp 4.0, robot hợp tác đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép các công ty vừa và nhỏ, với tiềm lực kinh tế chưa cao, có thể bắt đầu áp dụng tự động hoá quy trình sản xuất. Những robot này rất linh hoạt, dễ lập trình, nhỏ, nhẹ và giá cả không quá cao, dễ dàng được áp dụng, triển khai từng phần tại các doanh nghiệp SMEs, cũng như các nhà máy sản xuất cũ, hiện chưa đủ khả năng để đồng bộ hoá hệ thống robot công nghiệp tự động hoá”.
Bà Shermine Gotfredsen cho biết thêm “Một số nhà sản xuất đã và đang vận hành hệ thống cơ khí cũ trong hơn 50 năm. Trong thời đại công nghiệp cạnh tranh hiện nay, điểm cốt lõi là cách các nhà sản xuất không thể chỉ nâng cấp, mà cần tận dụng và thay thế các máy móc lỗi thời một cách hiệu quả. Vì lý do này, chúng tôi đã mang đến triển lãm 2 sản phẩm robot You Are 3 và You Are 5. Nhiều công ty đã và đang sử dụng robot của chúng tôi vào dây chuyền sản xuất của họ. Robot của chúng tôi áp dụng được trong mọi lĩnh vực và ứng dụng khác nhau như sản xuất xe hơi, ngành sản xuất điện tử và bán dẫn,…”.
Công nghiệp in 3D, hay còn gọi là Công nghệ sản xuất đắp dần (AM) được tạo ra với mục tiêu ban đầu để tạo ra nguyên mẫu hình ảnh và nguyên mẫu chức năng, sao chép không ngừng các bộ phận đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối. Công nghệ in 3D đã phát triển đạt giá trị 6,063 tỷ USD, tăng 17.4% tổng doanh thu toàn cầu vào năm 2016, đồng thời mở rộng ứng dụng vào nhiều ngành công nghiệp. Với tiềm năng sẵn có về mặt tùy biến và hạn chế tối đa hàng tồn kho, in 3D được xem là một yếu tố chủ chốt để hướng đến Công nghiệp 4.0.
Đại diện từ Công ty TNHH Creatz3D Việt Nam, Ông Hoàng Văn Tấn, Giám đốc kinh doanh toàn quốc, chia sẻ về vai trò của in 3D trong kỷ nguyên 4.0: “Hiện tại, thiết kế và tạo mẫu nhanh là hai trong số các quy trình chính được hưởng lợi từ in 3D. Máy in 3D cũng là một công cụ hữu ích trong việc đáp ứng những đơn hàng số lượng ít. Khi yêu cầu về tốc độ, chất lượng và vật liệu ngày càng tăng, những doanh nghiệp có khả năng khai thác những khả năng sản xuất mới sẽ là người chiến thắng. In 3D của ngày hôm nay đã đi xa hơn việc tạo mẫu. In 3D cho phép các nhà công nghiệp thiết kế nhanh hơn và có thể điều chỉnh kỹ thuật sản xuất để tạo ra một sản phẩm mới thông qua quá trình sản xuất tạo mẫu trên máy tính trước đó”.
Việc áp dụng in 3D ở Việt Nam chưa được nhiều, chủ yếu tập trung ở DN lớn như Vinfast, Thaco,.. Các DN nhỏ chưa tiếp cận được nhiều do chi phí đầu tư ban đầu lớn và đào tạo con người thiết kế công nghiệp còn hạn chế. Chính phủ Việt Nam cũng đang dần định hướng cho việc nghiên cứu, đào tạo cho công nghiệp ứng dụng in 3D trong tương lai tại một số viện nghiên cứu, trường đại học.
Bên cạnh robot và công nghệ in 3D, công nghệ đo lường (metrology) cũng trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việcc sản xuất. Ông Nguyễn Thành Đạt, Trưởng Nhóm Kinh Doanh, Công ty TNHH Keyence Việt Nam chia sẻ “Công nghệ đo lường được áp dụng để quản lý và kiểm tra các thông số về kỹ thuật, chức năng và đảm bảo các thành phẩm có thể đáp ứng yêu cầu ban đầu trên bản vẽ thiết kế”. Ông Nguyễn Thành Đạt tin tưởng rằng, Việt Nam - một trong những thị trường triển vọng nhất tại Đông Nam Á về sản xuất và công nghiệp - cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trên thị trường. “Nhân lực là một yếu tố thiết yếu trong bối cảnh ngành công nghiệp 4.0. Một đội ngũ nhân lực mới được trang bị đầy đủ kiến thức tiên tiến để vận hành công nghệ IoT hoặc làm việc các nhà máy thông minh” - ông Nguyễn Thành Đạt chia sẻ.
Hiện tại ở Việt Nam, các hệ thống về hỗ trợ đo lường và kiểm soát về chất lượng, về kích thước hay về ngoại quan đang ở mức thô sơ và phổ thông. Trong các nhà máy đang dùng nhiều các công cụ kẹp bằng tay, máy chiếu, các hệ thống đo lường kích thước kính hiển vi thủ công. Những công cụ này thường xảy ra sự sai số của con người, mỗi người đo khác nhau dẫn đến việc mất thời gian kiểm tra, kiểm soát lại hàng. “Chúng tôi muốn đưa đến các giải pháp tốt nhất, dùng máy móc kiểm soát thay cho sự đoán định của con người. Máy móc sẽ tự động đo lường, tự xử lý dữ liệu, tự động đưa ra các thông số, tính toán trong công nghiệp sản xuất” mong muốn của ông Thành Đạt tại buổi triển lãm.
Tại “Vietnam Manufacturing Expo 2018”, những hoạt động đặc biệt với vô số kiến thức cùng kỹ năng đào tạo đang chờ đón các nhà sản xuất Việt Nam. Ban tổ chức tiến hành hoạt động “Shows in show” để hướng dẫn khách tham quan dễ dàng tiếp cận các công nghệ, máy móc và giải pháp hiện đại, cho dù là linh kiện, phụ tùng, thiết bị kiểm tra, hàn, công nghệ robot,…ngay tại triển lãm.