Cụ thể, hơn 2,85 triệu thuê bao (74,21%) thực hiện chuẩn hóa (trong 3 giai đoạn: sau khi nhận được thông báo (từ 15/3-31/3), sau khi bị khoá 1 chiều (từ 31/3) và sau khi bị khoá 2 chiều (từ 15/4). Tuy nhiên vẫn có hơn 985 nghìn thuê bao (25,79%) chưa thực hiện chuẩn hoá theo thông báo đã bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông, thu hồi số thuê bao.
Với các số đã bị thu hồi này, các doanh nghiệp viễn thông sẽ thu về kho số của mình và thực hiện việc cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu theo quy định (điểm h khoản 8 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP).
Các kết quả đạt được nêu trên là do người sử dụng đã ý thức được việc sử dụng số điện thoại được đăng ký thông tin đầy đủ, chính xác với thông tin của bản thân là rất quan trọng, khi chiếc điện thoại đã trở thành một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Đặc biệt là sự vào cuộc, thực hiện đồng bộ của các doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháp thông báo (nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên gặp trực tiếp phù hợp với từng tập thuê bao); chuẩn hoá (trực tiếp, trực tuyến).
Bên cạnh đó là sự ủng hộ, đồng thuận của các cơ quan báo chí, truyền thông, từ 15/3-15/5, thường xuyên đưa các tin bài, hướng dẫn người sử dụng thực hiện công tác chuẩn hoá.
Phần lớn số thuê bao bị khóa liên lạc là hàng tồn, đăng ký sẵn thông tin của đại lý, hoặc SIM không còn sử dụng. Vì vậy, không nhiều khách hàng chuẩn hóa thông tin để được mở liên lạc trở lại cho dù có thời hạn dài, lên đến 30 ngày.
Chuẩn hóa thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước thứ hai trong quá trình kiểm soát tình trạng SIM rác, sai thông tin, sử dụng cho mục đích quảng cáo, lừa đảo.
“Trước khi có Cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm bước thứ nhất là loại 22 triệu SIM thông tin không đầy đủ. Bước thứ hai, khi có dữ liệu, các doanh nghiệp viễn thông tổ chức đối soát. Bước thứ ba là giải quyết vấn đề SIM không chính chủ”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tháng 11/2022.