Mới đây, tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới Brand Finance (có trụ sở tại London, Anh và hàng năm tiến hành định giá 70.000 thương hiệu trên thế giới) kết hợp với đơn vị tư vấn thương hiệu Công ty cổ phần Mibrand Việt Nam chính thức công bố bảng danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022.
Theo Báo cáo, Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 74% trong giai đoạn 2019-2022.
Cụ thể, nếu như năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 274 tỷ USD; thì năm 2020 là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm trước; năm 2021 là 388 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020; năm 2022 đạt 431 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước.
Về thứ hạng, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42, thì năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.
Trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu có rất nhiều doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam, như: Viettel (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội), Vinamilk (Công ty CP Sữa Việt Nam), MB (Ngân hàng Quân đội), Vietcombank (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam), Vietinbank (Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam), BIDV (Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam), Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát), Vietnam Airlines (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam)…
Theo công bố, Viettel (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội) là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2022, được định giá 8,8 tỷ USD, trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm thứ 4 liên tiếp.
Xếp vị trí thứ hai là VNPT (Tập đoàn Bưu chính viên thông Việt Nam), ghi nhận mức định giá 2,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2021.
Vinamilk (Công ty CP Sữa Việt Nam) được định giá 2,814 tỷ USD, tăng ấn tượng 18% so với năm 2021, tiếp tục là thương hiệu ngành thực phẩm có giá trị nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng này. Tại lễ công bố năm nay, Vinamilk cũng vinh dự nhận danh hiệu "Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới".
Giá trị top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã tăng lên 36%. Top 10 thương hiệu đứng đầu đã đóng góp 67% (24,4 tỷ USD) giá trị của bảng xếp hạng. Tổng giá trị đạt được lên tới 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021.
Trong đó, bốn thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông có tổng giá trị là 13.136 triệu USD và trở thành lĩnh vực đóng góp nhiều giá trị nhất cho bảng xếp hạng. Tiếp theo là ngành ngân hàng với 8.504 triệu USD giá trị thương hiệu với 12 thương hiệu và đứng thứ 3 là ngành thực phẩm với 3.460 triệu USD với 7 thương hiệu.
Đáng chú ý trong TOP 50, Tập đoàn Bảo Việt có giá trị thương hiệu là 731 triệu USD, xếp thứ 14. Đối với lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Techcombank có sự tăng trưởng vượt bậc về thứ hạng khi tăng 5 bậc so với năm 2021, lần đầu tiên lọt vào TOP 10. Ngân hàng Vietinbank xếp ở vị trí thứ 9, tăng 1 bậc so với năm 2021. Agribank vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với giá trị tăng trưởng 22%, duy trì vị trí thương hiệu ngân hàng giá trị nhất Việt Nam.
Một số thương hiệu có giá trị tăng trưởng ổn định trong bảng xếp hạng TOP 50 có thể kể đến VPBank (tăng trương 37% so với 2021), FPT (tăng trưởng 24.5% so với 2021). Giá trị thương hiệu của tập đoàn Hòa Phát tăng lên đến 68% so với 2021. Về lĩnh vực bất động sản, Giá trị thương hiệu Vinhomes 2022 là 2,383 triệu USD, tăng trưởng đến 99%, đây là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất trong TOP 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng giá trị nhất Việt Nam 2022, đều tăng giá trị từ năm 2021, ngoại trừ MobiFone (-21%). Đáng chú ý, có bốn cái tên mới tham gia Bảng xếp hạng TOP 50, đó là: Nam Long (hạng 34), Vinacomin (hạng 43), Chin-Su (hạng 44) và Masan Consumer (hạng 45).
Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương, nhận xét: “Bất chấp Đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế và hiện có một thị trường đang phát triển nhanh chóng và ngày càng trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển về giá trị thương hiệu và giúp đất nước chuyển từ định hướng sản phẩm sang định hướng tiếp thị thương hiệu, các thương hiệu Việt Nam cần cởi mở để thay đổi, phản ứng nhanh, đa dạng hóa và trở nên minh bạch hơn với tất cả các bên liên quan”.
Giám đốc Điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, để tiếp tục phát triển về giá trị thương hiệu và giúp đất nước chuyển từ định hướng sản phẩm sang định hướng tiếp thị và thương hiệu, các thương hiệu Việt Nam cần cởi mở để thay đổi, phản ứng nhanh, đa dạng hóa và trở nên minh bạch hơn với tất cả các bên liên quan.