Google và IBM đang cạnh tranh mạnh mẽ xem bên nào mới là bên đang giành được "ưu thế lượng tử", nhưng Amazon lại hướng đến những vấn đề thực dụng hơn. Mới hôm nay, hãng công bố sẽ ra mắt bản thử nghiệm dịch vụ Amazon Braket – nỗ lực của công ty bán lẻ Mỹ trong việc xâm nhập và biến điện toán lượng tử thành một dạng dịch vụ bạn có thể truy cập qua mạng Internet. Động thái của Amazon đến chỉ một tháng sau khi Microsoft ra mắt một dịch vụ tương tự. "Amazon Bracket sẽ là một dịch vụ AWS được quản lý đầy đủ, tích hợp bảo mật và mã hoá ở mọi cấp độ", công ty cho biết.
"Dịch vụ mới này được thiết kế để giúp bạn có những trải nghiệm trực tiếp với qubit và các vòng tuần hoàn lượng tử. Bạn có thể xây dựng và thử nghiệm các vòng tuần hoàn này trong một môi trường giả lập, sau đó chạy chúng trên một chiếc máy tính lượng tử thực thụ," Amazon cho biết.
Nhưng Amazon cũng cung cấp thêm thông tin về việc họ đang xây dựng một "Trung tâm AWS dành cho điện toán lượng tử", một phòng thí nghiệm gần Viện Công nghệ Califonia (Caltech) để tự mình nghiên cứu phát triển các máy tính lượng tử, cùng các ứng dụng mới của loại máy tính này. Giám đốc trung tâm nghiên cứu về máy tính lượng tử đã xác nhận rằng họ đang phát triển phần cứng lượng tử.
Về lý thuyết, máy tính lượng tử có tốc độ tính toán cao hơn các siêu máy tính truyền thống, nhờ vào việc các bit của loại máy tính này có thể tồn tại ở nhiều trạng thái lượng tử, thay vì chỉ có hai trạng thái bật (1) và tắt (0) như các bit truyền thống. Google mới đây cho biết công ty đã thành công trong việc xây dựng một chiếc máy tính lượng Sycamore 54 qubit. Công ty cho biết máy tính lượng tử đã có thể thực hiện thành công một tính toán mà nếu sử dụng siêu máy tính mạnh nhất trên thế giới hiện tại thì sẽ phải mất 10.000 năm.
Nhưng máy tính lượng tử cũng rất hiếm và cực kỳ đắt đỏ, vì vậy Amazon và Microsoft đang cố gắng biến chúng thành một dạng tài nguyên được chia sẻ, quản lý và có khả năng mở rộng - giống như cách Amazon đã làm với nền tảng điện toán đám mây AWS có giá trị cao của mình. Đế chế máy chủ vô hình này đó đóng vai trò là xương sống cho nhiều dịch vụ internet sử dụng ngày nay.