Đây là thông tin được ông Nguyễn Thắng Vượng - Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Việt Nam - Địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức”.
Ông Vượng cho biết, thời gian qua, xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ. Rất nhiều tập đoàn lớn đã tìm kiếm mở rộng mạng lưới và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Ví dụ điển hình nhất là đến nay, Tập đoàn Apple của Mỹ đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn sang Việt Nam; Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn hai nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM tổng trị giá 4 tỉ USD; Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỉ USD; Tập đoàn Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại về Việt Nam và Ấn Độ. 60% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên thế giới đang được sản xuất tại Việt Nam.
Gần đây, những tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Boeing, Google, Walmart đều có sự nghiên cứu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Đến nay, Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại của tập đoàn về Việt Nam và Ấn Độ. 60% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên toàn thế giới là đang được sản xuất tại Việt Nam.
Qua đó, cho thấy cơ hội lẫn thách thức đối với doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Yang Yoon Ho, Giám đốc quan hệ khách hàng Công ty Samsung Electronic Việt Nam cho biết, qua chương trình nhà máy thông minh, Samsung chia sẻ kiến thức chuyên môn về sản xuất thông minh cho 50 DN theo lộ trình trong hai năm.
Hiện tại, Samsung đã hoàn thành dự án nhà máy thông minh với 26 DN địa phương và tiếp tục nhân rộng ra các địa phương trong thời gian tới.
“Thông qua dự án này, chúng tôi hy vọng DN Việt sẽ củng cố năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu. Xa hơn sẽ có nhiều DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và các DN toàn cầu” - ông Yang Yoon Ho nói.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, hiện nay doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng chỉ ở khâu trung gian, có giá trị gia tăng thấp. Khâu cung cấp nguyên vật liệu chính cho ngành sản xuất chế biến chế tạo, dệt may, da giày phần lớn phải nhập khẩu.
Theo ông Hoàn, trước kia Việt Nam tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ nhưng hiện nay chi phí nhân công ngày càng tăng nên mất dần lợi thế này.
"Một trong những điều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam là khả năng cung ứng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Vì vậy, để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thời gian tới, Cục Công nghiệp tập trung các hoạt động như xây dựng chính sách, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp", ông Hoàn nói.
Theo đó, Nghị định 111/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ có những chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng để phù hợp với tình hình mới, Bộ Công Thương trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 111/2015 nhằm tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hưởng được nhiều ưu đãi hơn, nâng cao năng lực, tăng tính cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.
Hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Samsung, Toyota… nâng cao năng lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
“Gần đây, chúng tôi phát triển thêm một bước nữa là nâng cấp nhà máy của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam qua biên bản ghi nhớ phát triển 50 nhà máy thông minh với Samsung” - ông Hoài nói.