Theo những yêu cầu mới của Liên minh châu Âu, Apple buộc phải mở của hệ điều hành, cho phép người dùng tải xuống ứng dụng từ bên thứ ba mà không cần thông qua ứng dụng App Store.
Luật mới của châu Âu, được gọi là Đạo luật thị trường kỹ thuật số, yêu cầu các công ty công nghệ cho phép người dùng cài đặt ứng dụng của bên thứ ba.
Dẫn lời nguồn tin, Bloomberg cho biết Apple sẽ có thay đổi lớn. Công ty sẽ cho phép người dùng tải ứng dụng không qua App Store (hay còn gọi là Sideload). Điều này cũng đồng nghĩa nhà phát triển không phải trả phí từ 15% đến 30% cho "táo khuyết" nữa. Song thay đổi chỉ áp dụng tại châu Âu.
Nếu những nước khác giới thiệu quy định tương tự châu Âu, các chợ ứng dụng thay thế App Store có thể mở rộng địa bàn trên toàn cầu. Chẳng hạn, Mỹ đang cân nhắc yêu cầu Apple kích hoạt Sideload.
Từ trước đến nay, Apple luôn luôn phản đối kịch liệt việc cho phép người dùng iOS tải ứng dụng từ bên thứ ba mà không thông qua cửa hàng App Store chính thức của Apple. Apple cho rằng làm như vậy là để giữ cho hệ sinh thái iOS được an toàn. Tuy nhiên các nhà phát triển phản đối cho rằng Apple đang giữ thế độc quyền để thu phí toàn bộ các giao dịch thông qua App Store.
Hiện nay, đội ngũ kỹ sư phần mềm của Apple đang dồn nhiều nguồn lực để chuẩn bị cho việc Apple "mở cửa" vào năm 2023, thông qua các bản cập nhật lớn sắp được tung ra.
Apple vẫn sẽ có quyền kiểm soát các kho ứng dụng của bên thứ ba khi hoạt động trên nền tảng iOS. Thậm chí, Apple vẫn có thể sẽ thu một khoản phí đối với các giao dịch không thông qua App Store.
Apple buộc phải tuân thủ DMA do EU được quyền phạt tối đa 20% doanh thu toàn cầu nếu doanh nghiệp vi phạm. Nếu không thay đổi, nhà sản xuất iPhone có thể bị phạt tới 80 tỷ USD. Bên cạnh những thay đổi lớn trên App Store và các dịch vụ khác, EU còn buộc Apple phải đưa cổng USB-C lên tất cả thiết bị, bao gồm iPhone, từ năm 2023.
Thay đổi trên App Store không phải là lần đầu tiên Apple phải đáp ứng các quy định của EU. Apple cho biết trong tuần này rằng họ đang có kế hoạch sử dụng đầu nối USB-C trên những chiếc iPhone tiếp theo vào năm 2023 thay vì Lightning.
Theo đó, tất cả iPhone được bán ở Liên minh Châu Âu (EU) phải được tích hợp cổng kết nối USB-C trước ngày 28 tháng 12 năm 2024. Bộ luật này đã biến USB-C trở thành cổng kết nối tiêu chuẩn ở EU.
EU đã và đang thúc đẩy sự thay đổi trong nỗ lực giảm rác thải điện tử đồng thời đặt ra một tiêu chuẩn sạc chung cho các thiết bị. Kế hoạch của EU không chỉ bao gồm điện thoại mà cả máy tính bảng, thiết bị đọc sách điện tử, tai nghe nhét tai, máy ảnh kỹ thuật số, tai nghe, máy chơi game cầm tay và loa di động cùng đều phải tích hợp cổng sạc USB-C.
EU tuyên bố rằng, mặc dù quy tắc sẽ được áp dụng từ năm 2024, nhưng "các luật và quy định hành chính cần thiết để tuân thủ chỉ thị này" phải được công bố trước ngày 28 tháng 12 năm 2023.
Nếu Apple không tuân thủ, họ sẽ không thể bán sản phẩm của mình tại các nước trong Liên minh châu Âu sau tháng 12 năm 2024.