Thông thường, mặt lưng thiết bị di động như điện thoại, đồng hồ, máy tính được làm bằng kính, gốm hay nhựa để đảm bảo độ thẩm mỹ và không cản sóng điện từ. Tuy nhiên, chúng tiếp xúc với nhiều bề mặt khác nhau dẫn đến trầy xước và mài mòn. Do đó, Apple đang phát triển một loại vật liệu mới để đảm bảo phần mặt lưng đẹp nhưng có độ bền và khả năng chịu mài mòn tốt.
Mới đây Apple đã được trao bằng sáng chế thiết kế cho loại bề mặt “chống mài mòn”, giúp điện thoại ít bị trầy xước hơn và không cần ốp bảo vệ.
Các hình ảnh trong tài liệu cấp bằng sáng chế cho vật liệu mới, kết hợp giữa kim loại và gốm có độ bền cao và khả năng chống xước tốt. Giúp mặt sau của iPhone “mọc lên” một dải hạt siêu bền, kích thước nhỏ hơn đầu bút chì, phủ kín phần lưng thiết bị.
Apple đề xuất các hạt “chống mài mòn” này có thể làm bằng kim loại, thủy tinh, gốm sứ hoặc các vật liệu phù hợp khác.
Trong bằng sáng chế vừa được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ cấp ngày 13/6, Apple mô tả công dụng cũng như hạn chế của các vật liệu khác nhau trong chế tạo thiết bị di động. Ví dụ, kim loại có khả năng chống va đập, trầy xước hoặc vỡ nhưng lại dễ làm nhiễu tín hiệu vô tuyến, trong khi gốm chống xước tốt và không cản sóng nhưng dễ vỡ.
Từ đó, Apple dự định kết hợp kim loại và gốm để tạo thành loại vật liệu mới có tên gọi Spatial Composites, vừa đảm bảo khả năng chống xước, chống va đập vừa không chắn sóng.
Sau nhiều năm duy trì lối thiết kế trùng lặp, Apple đã nỗ lực thử nghiệm để cải thiện khả năng bảo vệ điện thoại iPhone trước rủi ro bị mài mòn, trầy xước trong quá trình sử dụng hàng ngày, cùng lúc đó vẫn duy trì lớp hoàn thiện bóng mượt của thiết bị di động này.
iPhone 14 và 14 Plus ra mắt năm ngoái có “tấm chắn bảo vệ bằng gốm” chống nước tiêu chuẩn IP68 bao bọc toàn bộ điện thoại, với mặt sau phẳng bằng nhôm. Phần này được làm bằng thép không gỉ ở phiên bản 14 Pro và Pro Max cao cấp hơn.
Tuy nhiên, những vật liệu nghe có vẻ chắc chắn này lại có kết quả chịu lực kém hơn trong một số bài kiểm tra thả rơi tự do từ trên cao so với iPhone 12 và 13.
Bằng sáng chế mới của Apple là dấu hiệu cho thấy hãng này có kế hoạch kết hợp giữa độ bền và vẻ đẹp, khi tạo ra một bề mặt “được mài nhẵn” bên trên có các vi hạt tiếp xúc sáng lấp lánh như những viên đá quý.
Bề mặt này có thể phản chiếu ánh sáng theo các hướng nhất định vào tạo ra vẻ ngoài, độ phản chiếu hoặc màu sắc theo mong muốn.
Mặc dù các sơ đồ được gửi cùng bằng sáng chế gợi ý rõ ràng rằng mặt sau chống mài mòn này là dành cho điện thoại iPhone, nhưng không loại trừ khả năng iPad và MacBook cũng có thể được sản xuất dưới dạng chống trầy xước.
Tuy nhiên, một trong số ít điều mà bằng sáng chế của Apple hoàn toàn không mô tả là cảm giác của kết cấu này khi chạm tay vào.
Những người quan sát trong ngành công nghệ suy đoán rằng bằng sáng chế này được cấp phép quá muộn để tích hợp vào iPhone 15 sắp tới.