Thống đốc I Wayan Koster nói rằng, hành vi này là bất hợp pháp ở Indonesia và những người vi phạm có thể phải đối mặt với mức án 1 năm tù hoặc phạt tiền.
Ông Koster đã đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc họp báo vào ngày 28/5 – đáp trả các tin tức cho rằng một số khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm và các điểm du lịch khác ở Bali đã chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử.
“Khách du lịch nước ngoài có hành vi ồn ào, thực hiện các hoạt động không nằm trong giới hạn thị thực, sử dụng tiền điện tử để thanh toán hoặc vi phạm bất kỳ luật nào sẽ bị xử phạt. Họ có thể bị trục xuất, nhận cảnh cáo hoặc thậm chí bị buộc tội hình sự theo Bộ luật Hình sự" - ông Koster nói.
Theo luật pháp Indonesia, nếu một người sử dụng các hình thức tiền tệ khác ngoài đồng rupiah, họ có thể bị phạt tù tới một năm và phạt tiền tối đa 200 triệu rupiah (khoảng 313 triệu đồng).
"Những người thực hiện các hoạt động kinh doanh ngoại hối mà không được Ngân hàng Indonesia cho phép có thể bị phạt tù với mức tối thiểu là một năm và tối đa là 5 năm, cũng như bị phạt tiền với mức tối thiểu là 50 triệu rupiah (78 triệu đồng) và tối đa là 22 tỉ rupiah (34 tỉ đồng), theo ông Koster.
"Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính bằng các hình thức như khiển trách bằng văn bản, buộc nộp phạt và cấm giao dịch thanh toán", vị quan chức cho biết.
Ông Trisno Nugroho, người đứng đầu Văn phòng đại diện tại Bali của Ngân hàng Indonesia, cho biết tiền điện tử, với tư cách là một tài sản, được phép lưu hành ở Indonesia nhưng bị cấm sử dụng để thanh toán.
Luật số 7 năm 2011 về Tiền tệ, Indonesia cấm sử dụng các loại tiền tệ khác ngoài rupiah làm phương tiện thanh toán ở Indonesia. Luật số 7 năm 2011 quy định, nếu một người sử dụng các hình thức tiền tệ khác ngoài đồng rupiah, có thể bị phạt tù tối đa một năm và phạt tiền tối đa 200 triệu Rp (13.300 USD). Những người thực hiện các hoạt động kinh doanh ngoại hối mà không được sự cho phép của Ngân hàng Indonesia có thể bị phạt tù với mức tối thiểu một năm và tối đa là 5 năm, và mức phạt tối thiểu là 50 triệu Rp (3.300 USD) và tối đa là 22 tỷ Rp (1,4 triệu USD).
Ngân hàng Trung ương Indonesia cấm dùng đôla Mỹ và các ngoại tệ khác trong tất cả giao dịch tài chính trong nước để ngăn đồng rupiah rơi tự do. Các công ty quốc tế là ngoại lệ do họ phải trả lương cho nhân viên nước ngoài bằng đôla Mỹ. Các công ty đầu tư vào những ngành công nghiệp chiến lược cũng không phải tuân theo quy định trên. Các khách sạn và nhà hàng vẫn được phép niêm yết giá bằng USD, để quảng cáo trên Internet. Tuy nhiên, việc thanh toán vẫn phải được thực hiện bằng rupiah.
Indonesia đã ủng hộ tiền điện tử như một loại hình đầu tư, nhưng không phải để thanh toán.
Ngân hàng Indonesia đã cấm các bộ xử lý thanh toán sử dụng tiền điện tử để giải quyết các giao dịch vào năm 2016. Cuối năm 2017, Indonesia đã cấm các tổ chức tài chính sử dụng tiền điện tử để thanh toán.
Trong đợt tăng giá tiền điện tử gần đây nhất vào năm 2021, ngân hàng trung ương Indonesia đã huy động các cơ quan giám sát chính thức để thực thi lệnh cấm các tổ chức tài chính sử dụng tài sản tiền điện tử làm phương tiện thanh toán.