Đại diện Bkav cho biết, C85 tận dụng những ưu điểm của điện thoại phổ thông, như kiểu dáng nhỏ gọn, dễ sử dụng, pin lâu, có thể dùng cả tuần không cần sạc. Máy truy cập được những ứng dụng phổ biến như Facebook, YouTube, Google... Bên cạnh đó, sản phẩm còn tích hợp công nghệ ra lệnh bằng giọng nói.
Không sử dụng Android như Bphone, Bkav C85 chạy KaiOS, nền tảng được xây dựng dựa trên hệ điều hành Firefox. Trước Bkav, Nokia đã tung ra một số điện thoại chạy KaiOS tại Việt Nam như Nokia 210, 800 Tough…
Bkav Smart Feature Phone 4G - C85 đáp ứng các yêu cầu trên, với dung lượng pin có thể dùng lên đến cả tuần không cần sạc, có thể truy cập các ứng dụng phổ biến như Facebook, YouTube, Google… Thậm chí, nhà sản xuất Bkav còn ưu ái đưa công nghệ ra lệnh bằng giọng nói vào dòng điện thoại mới này.
Khác với dòng máy Bphone được Bkav thiết kế toàn bộ các khâu từ kiểu dáng, cơ khí, điện tử và phần mềm, Bkav Smart Feature Phone 4G là dòng máy riêng áp dụng phương thức sản xuất ODM, phương thức sản xuất đối với các dòng máy giá rẻ. Để mang tới cho người dùng một mức giá vừa túi tiền, các hãng mua thiết kế chung, đặt sản xuất và kiểm soát chất lượng để tối ưu giá. Bkav-C85 chạy trên hệ điều hành KaiOS, một phiên bản kế thừa của hệ điều hành Firefox và được Bkav tối ưu cho người sử dụng Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Cơ, Giám đốc kinh doanh Bkav, cho biết chủ trương cộng tác cùng nhà mạng, Bkav muốn mở rộng phương thức sản xuất, phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng. “Nhiều khách hàng mong muốn chúng tôi có các sản phẩm ở phân khúc giá rẻ, nên chúng tôi mở rộng phương thức sản xuất, làm việc với nhiều đối tác trên toàn cầu để chuỗi sản phẩm của Bkav có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng phân khúc khách hàng”.
C85 sẽ có giá dưới một triệu đồng nhờ sự trợ giá của nhà mạng. Mức giá cụ thể và các thông số kỹ thuật sẽ được công bố trong tháng 7.
Trước đó, tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Một trong những chương trình cần triển khai giai đoạn này là đẩy nhanh phổ cập smartphone cho người Việt. Tuy nhiên, giá bán smartphone đang là rào cản lớn. Do đó, một số công ty công nghệ và nhà mạng tại Việt Nam đang hợp tác phát triển dòng điện thoại 4G với giá trong khoảng từ 500.000 đến dưới một triệu đồng ngay trong năm 2020.
Người đứng đầu Bộ TT&TT đồng thời khẳng định xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022.
"Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó. Mỗi người đã có một chiếc điện thoại để "alô". Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử”, Bộ trưởng nhấn mạnh.